Các bạn nào từng múa dân vũ ắt hẳn phải biết bản nhạc không lời Chicken Dance (vũ điệu gà con). Và trong danh mục dân vũ các nước, thì Chicken Dance lại được liệt vào vũ điệu dân gian Anh quốc. Điều này có đúng hay không?
Từ bài dân vũ về “đàn vịt”
Theo nhiều tài liệu, bản nhạc mà chúng ta thường gọi là Chicken Dance ấy ra đời đầu tiên không phải ở Anh, mà lại ở Thụy Sỹ. Đây là bài nhạc được soạn cho đàn accordion, viết vào cuối 1957, do nhạc sĩ Werner Thomas sáng tác. Ông là một nhạc công chơi đàn phong cầm ở nhà hàng địa phương.
Tựa đề đầu tiên mà tác giả ở quốc gia đồng hồ đắt nhất thế giới, đặt là “Der Ententanz”. (Tiếng Anh tạm dịch là The Duck Dance – Vũ điệu của chú vịt). Bản nhạc không lời này diễn tả bước chạy lạch bạch của đàn vịt con (đoạn A). Và đoạn B mô tả hình ảnh những chút vịt lả lướt trên mặt nước. Đương nhiên, điệu múa dân vũ cũng hình thành từ đây mà ra.
Tuy nhiên, sau khi phổ biến thì bản nhạc cùng vũ điệu đàn vịt này được lan truyền khắp Đông Âu. Nhưng có vẻ như với lý giải của các nghệ sĩ múa phương Tây, họ cảm nhận những động tác vũ điệu ấy giống với loài chim hơn. Họ gọi bằng ngôn ngữ bản xứ là vũ điệu về loài chim: “Vogeltanz” (The Bird Dance).
Ở Hà Lan lại gọi là “De Vogeltjesdans” (The dance of the little birds). Còn ở Đức, người ta gọi là “Dance Little Bird”… Họ lý giải, đoạn A là đàn chim gọi nhau, và đoạn B là hình ảnh đàn chim bay lượn. Nghe cũng hợp lý.
Đến bài dân vũ “đàn gà”
Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại gọi là vũ điệu gà con (Chicken dance)? Rõ ràng gà thì không thể bơi hay tung cánh bay?
À, câu chuyện là thế này:
Trong một chương trình truyền hình địa phương vào năm 1981, ở vùng Tulsa, Oklahoma, Oktoberfest (Mỹ), một ban nhạc Đức luốn chơi bản nhạc này để làm chủ đề hóa trang. Thế nhưng ở khắp vùng Tulsa lúc ấy không còn bộ trang phục Vịt nào, chỉ có mỗi trang phục Gà.
Vậy là người Mỹ ở đó quyết định đổi tên tiết mục múa ấy là Chicken Dance (Vũ điệu gà con) cho phù hợp với bộ hóa trang để lên sóng. Từ đó, bản nhạc có tên mới: Chicken Dance.
Như vậy, rõ ràng bài dân vũ này không phải xuất xứ từ Anh. Mà chỉ là được phổ biến rỗng rãi từ một quốc gia nói tiếng Anh mà thôi.
(Nguồn tài liệu tham khảo tại đây)