Bàn về trang phục rằn ri trong hội diễn

Published on

Cách ngụy trang của biệt kích Mỹ

Tóm tắt:

Bài viết đề cập đến việc sự dụng trang phục rằn ri khi biểu diễn các tiết mục liên quan đến lịch sử chiến tranh Việt Nam


Bài liên quan

Thỉnh thoảng khi đi chấm hội diễn văn nghệ quần chúng, tôi thấy không ít tiết mục bộ đội Trường Sơn lại mặc đồ rằn ri. Có người cho là phản cảm, có người cho rằng “quân phục rằn ri là của bộ đội Việt Nam hiện nay nên đương nhiên là diễn được”. Bản thân nhiều giám khảo cũng lúng túng vì không biết chấm thế nào cho đúng. Vì vậy tôi xin bàn luận một chút để hiểu rõ hơn việc có nên hay không khi xây dựng hình tượng bộ đội Trường Sơn mặc rằn ri trên sân khấu.

Tìm hiểu về “rằn ri”

Vào thế chiến thứ hai, các chuyên gia quân sự Mỹ đã thiết kế cho lính biệt kích loại trang phục ẩn nấp có tên gọi là Camouflage (nguỵ trang). Họ nghiên cứu từ cách ẩn náu của một loại cá “Peacock Flounder” ở vùng biển Hawai: khi chúng bơi sát đáy thì cơ thể đổi màu theo đá hoặc san hô bên dưới, khiến chúng giống như “tàng hình” và khó phát hiện.

Chính vì vậy màu rằn ri được mô phỏng bề mặt đất đá nơi trận địa chứ không phải màu cây rừng như nhiều người thường nghĩ. Và quân phục rằn ri cũng có nhiều màu cho phù hợp với thổ nhưỡng nơi chiến đấu. Chẳng hạn với lực lượng mặt đất và trên không (lính dù), rằn ri sẽ gồm xanh lá cây, nâu, trắng, đen. Lực lượng hải cẩu (đặc nhiệm biển) và lực lượng vùng núi tuyết sẽ có màu xanh biển và trắng. Còn lính sa mạc sẽ có màu vàng và nâu. Dần dần, rằn ri trở thành quân phục chiến đấu chung của cả thế giới. Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn Mỹ chiếm đóng miền nam Việt Nam, những cuộc đàn áp, bắt bớ, hãm hiếp và giết chóc đều mang sắc màu của lính rằn ri khiến cho dân chúng kinh sợ. Từ đó rằn ri được xem là biểu tượng của “vũ lực” và “đàn áp”.

Vậy bộ độ cụ Hồ mặc màu gì?

Khác với màu rằn ri của đá, bộ đội Việt Nam dùng quân phục màu xanh cây rừng để ẩn náu. Bởi dọc dãi Trường Sơn chúng ta chỉ toàn là rừng phủ xanh đồi núi. Khi hành quân, bộ đội lấy lá cây phủ lên ba lô, nón cối. Nếu gặp máy bay, chỉ việc nép cạnh một bụi cây là địch khó có thể phát hiện từ trên cao. Chính vì vậy bộ đội Bắc Việt đã đi bộ vào Nam qua dãi Trường Sơn suốt bao năm trời mà địch không tìm thấy. Cuối cùng Mỹ phải sử dụng thủ đoạn rải chất độc da cam để cháy vàng hết cây rừng, hòng nhìn thấy màu xanh áo bộ đội. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là cây này chết thì cây khác mọc lên, tiếp tục che chở cho bộ đội đến ngày giải phóng. Chính vì vậy, màu xanh trơn của bộ đội còn là biểu tượng của sự “gan dạ”, “bất khuất”, của sự “hiền hòa”, và “che chở”.

Sau ngày hòa bình, quân phục rằn ri mới dùng cho một số lực lượng đặc nhiệm chiến đấu như lực lượng chống Fun Rô, cảnh sát biển, lực lượng trấn át tội phạm, bộ đội biên phòng v.v… Tuy nhiên, màu xanh trơn vẫn là gam chủ đạo của quân đội Việt Nam hiện nay.

Có nên hay không?

Trở lại với đề tài ta đang bàn, nếu bạn xây dựng hình tượng bộ đội Trường Sơn trên sân khấu với quân phục rằn ri cầm cờ đỏ sao vàng thì sao? Xin trả lời là người xem không phân biệt được đâu là “ta” đâu là “địch”, đâu là “chính nghĩa” đâu là “hung tàn”.

Một đơn vị Đoàn phường xây dựng kịch bản hội diễn thế này: tiết mục trước là cảnh minh họa bộ đội áo xanh chiến đấu với giặc áo rằn ri. Sang tiết mục sau, thì hai bạn rằn ri vừa rồi để nguyên xi quân phục ra múa bài “Hoa Sen dâng Bác”. Người xem cảm giác như “địch vừa thắng ta, xông ra cảm ơn Bác”. Một bạn hồn nhiên trả lời rằng “đây là quân phục mượn của bộ đội biên phòng”. Đúng, đây là quân phục hôm nay, nhưng không phải hôm qua. Còn trong lịch sử, rằn ri là quân phục của chế độ Mỹ ngụy. Cho nên, nếu anh bộ đội mặc quần áo rằn ri, khóc lóc chia tay mẹ lên đường đi B, chắc chắn người xem sẽ bảo: à, đây là một tay chiêu hồi hoặc Việt gian.

Tôi còn nhớ năm 2010, trong chương trình ca nhạc “Đêm huyền thoại” chào mừng 35 năm giải phóng miền Nam, được truyền hình trực tiếp do một tờ báo lớn ở TP.HCM tổ chức. Trong chương trình có tiết mục thời trang bộ đội với các kiểu quần áo xanh và rằn ri cách điệu. Nếu như tiết mục này tách riêng thì sẽ không có gì để nói. Nhưng vị đạo diễn lại lồng ghép vào cảnh cuối khi xe tăng húc đổ cổng dinh độc lập. Và kết quả là trong không khí tưng bừng ngày 30.4 lịch sử, các cô chân dài với trang phục rằn ri chiếc thấp chiếc cao õng ẹo bên các anh bộ đội áo xanh, còn lính ngụy rằn ri thì hân hoan với cờ đỏ sao vàng, thậm chí một diễn viên nam “bộ đội” còn cặp kè hai cô người mẫu rằn ri bước ra chung vui ngày giải phóng. Mẹ tôi sau khi xem xong phải thốt lên: “bộ đội vào giải phóng miền nam để ăn chơi à?”. Hậu quả hôm sau tờ báo đó có một cuộc họp khẩn cấp…

Sân khấu là thế, nó là nơi khái quát hóa hiện thực, cho nên dù muốn hay không thì tất cả những gì xuất hiện trên sân khấu, người xem đều nhìn ở góc độ “ý nghĩa”. Vì thế dù rằn ri ngày nay là quân phục chiến đấu của bộ đội Việt Nam, nhưng khi bạn muốn xây dựng hình tượng bộ đội Trường Sơn, bạn phải hiểu về quân phục trong lịch sử, và sử dụng đúng quân trang của người lính cụ Hồ năm xưa. Chỉ khi nào bạn diễn những tiết mục không thuộc lịch sử, hoặc đặc trưng lực lượng, thì bạn mới có thể sử dụng chính quần áo rằn ri của mình.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Liên hệ