Lời bài hát
Sáng tác: Xuân Nghĩa
Vừa nghe tiếng quê hương mong chờ những con người
Cùng chung đôi tay đắp xây góp cho cuộc sống sau này
Hành trang đơn sơ cất bước
Chỉ mang nặng những lời thề
Rồi trang sách hôm qua nay đã hóa công trình
Để cho quê hương ước mơ sẽ không còn những nhọc nhằn
Và tương lai ta phía trước
Là gam màu sáng tuyệt vời
Chặng đường nào ta đã tới
Đợi chờ gì ai nói câu ân tình ngợi ca những điều lớn lao
Ta vẫn đồng hành
Chorus:
Và chúng ta là những người như thế
Màu áo thanh niên là hành trang cho chính mình
Và chúng ta từng bắt đầu như thế
Từng biết sống cho và từng không mong đáp đền
Vì cuộc sống hôm nay bao nhiêu nhọc nhằn
Nụ cười và nước mắt vẫn luôn chung đôi
Tuổi xuân ai cũng có ước mơ riêng ai
Cùng nhau chung sức mới xứng danh hiền tài
Và chúng ta là những người như thế
Và chúng ta từng bắt đầu như thế
Nghe nhạc
Click here
Hoàn cảnh sáng tác
Xem chi tiết…
Từ “Mùa xuân biên giới”
Năm 2003, đồng chí Nguyễn Minh Triết (lúc bấy giờ là bí thư thành ủy TP.HCM) có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh (lúc bấy giờ là bí thư tỉnh Gia Lai – tên thân mật là Sáu Khanh) đã đề nghị TP.HCM hỗ trợ thông tin cho vùng biên giới tây nguyên và mọi người dân cùng biết. Sau đó, đồng chí Nguyễn Minh Triết đã giao cho báo Sài Gòn Giải Phóng nghiên cứu thực hiện công tác này. Và nhà báo Phạm Thục (lúc bấy giờ là phóng viên ban Chính trị Xã hội) là một trong những người chắp bút cho sự kiện đó.
Tháng 9/2003, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức chương trình “Mùa xuân biên giới” đầu tiên, trong đó có chương trình ca nhạc từ thiện “Mùa xuân cho em”. Tiền lãi từ đêm nhạc này đã gây quỹ “xóa mù do đục thủy tinh thể” cho 1.956 người mù nghèo của tỉnh Giai Lai. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng được đến thăm các đồn biên phòng sát biên giới Campuchia, để ghi nhận và phản ánh thực tế về đời sống đồng bào nơi đây. [Xem thêm từ bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng của nhà báo Phạm Thục]
Và cũng đó về sau, suốt 10 năm, cứ mỗi lần Tết đến, các nhà báo (thường xuyên nhất là báo SGGP, Mực Tím; Công An TP.HCM; HTV); các y bác sĩ Viện Tim TP.HCM; các giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM lại lên đường tham gia chương trình Mùa xuân biên giới này. Bên cạnh các hoạt động tặng quà tết của các nhà báo, các y bác sĩ còn tổ chức khám phát thuốc cho đồng bào. Các giảng viên Đại học Luật thì tặng các bộ sách và tư vấn về luật để các chiến sĩ biên phòng có thể tự ứng dụng nơi vùng biên giới.
Tiếng vang của chương trình này đã lan đến các tỉnh xung quanh. Vì thế, hành trình “Mùa xuân biên giới” mỗi năm một mở rộng thêm. Nếu như năm 2003 chỉ là tỉnh Gia Lai, thì vài năm sau đã mở lên Kon Tum, về Buôn Ma Thuột. Rồi đến những năm 2006, “Mùa xuân biên giới” đã hướng đến các đảo biên phòng ở Kiên Giang, Cà Mau. Mỗi chuyến đi cứ mất ít nhất là 1 tuần. Mỗi ngày di chuyển làm việc từ 7 giờ sáng đến tối khuya mới về đến nhà khách để nghỉ. Có năm, chúng tôi làm việc ở Cà Mau xong, là đi thẳng lên Tây Nguyên đến khi gà gáy mới tới. Có những năm, khi các thành viên đoàn về đến nhà là 30 Tết, chỉ kịp dọn dẹp sơ sơ rồi bày mâm cúng giao thừa.
Thế nhưng, cứ gần Tết, các chiến sĩ biên phòng lại hỏi chị Thục, năm nay các anh chị có lên thăm đơn vị không. Chị Thục nhiều lần chia sẻ rằng cũng mệt, vừa tổ chức vừa vận động tài trợ, vừa tính toán chia quà, (tránh trường hợp người dân không có quà lại làm phiền địa phương). Nhiều lúc thiếu sót lại bị đánh giá. Nhưng không làm cũng tội, đám trẻ cứ muốn đi. Thế là chị “cả” lại: có có! Và cứ thế, “Mùa xuân biên giới” tiếp tục và tiếp tục.
Ý tưởng “Chúng ta là những người như thế” bắt đầu từ khoảng năm 2008. Nếu bạn hỏi chúng tôi đi để làm gì khi mà Tết nhất đến nơi?
Để đức cho con cháu? – Không! (cái đó xa quá, nhiều thành viên lúc đó còn chưa có người yêu)
Để lên lương? – Không! (quy chế lên lương không có vụ này)
Để được khen trên báo? – không! (chúng tôi có cả một “nhà báo” cơ mà)
Đơn giản là khi nơi đó cần, chúng tôi thấy làm được, thì chúng tôi đi. Còn hỏi vì sao, chẳng ai giải thích được.
“Chặng đường nào ta đã tới
Đợi chờ gì ai nói câu ân tình ngợi ca những điều lớn lao
Ta vẫn đồng hành.
Và chúng ta là những người như thế
Màu áo thanh niên là hành trang cho chính minh
Và chúng ta từng bắt đầu như thế
Từng biết sống cho và từng không mong đáp đền…”
Bài hát được viết với thể loại Pop Dance, với tựa đề là câu đầu điệp khúc Chúng ta là những người như thế. Tuy nhiên, tôi chưa hoàn tất được vào giai đoạn đó, vì có những ca từ chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, nội dung này cũng chỉ sử dụng nội bộ, trong phạm vi hẹp, khó có thể so với “Mãi là người thanh niên Việt Nam” mang tính đại chúng hơn. Nên tôi cũng không biết viết để làm gì. Đồng thời, năm 2011, tôi chuyển sang công tác ở báo Thanh Niên. Cánh chim đầu đàn Phạm Thục sau đó nghỉ hưu, chương trình kết thúc. Nên bài hát tạm gác lại.
Đến 85 năm ngày thành lập Đoàn
Đến năm 2016, Thành đoàn TP.HCM mời tôi tham gia bài hát mới để kỷ niệm 85 năm ngày Thành lập Đoàn (26/3/1931 – 26/3/2016), tôi thấy nội dung của Chúng ta là những người như thế khá phù hợp, và quyết định hoàn tất ca từ, mở rộng đối tượng người nghe, và rút gọn thành 1 lời. Rồi tôi chọn câu thứ 2 của điệp khúc để làm tựa đề cho phù hợp với tính cách của Đoàn thanh niên hơn: Chúng ta từng bắt đầu như thế.
Bài hát hoàn chỉnh không đề cập riêng về nghề báo giống Như hoa không tên, mà thiên về hoạt động tình nguyện của thanh niên hơn. Nhưng tất cả ý tứ của bài đều xuất phát từ “Mùa xuân biên giới” mà ra. Sau đó tôi gửi cho Thành đoàn. Từ đó, bài hát này bắt đầu được phổ biến với bản audio của ca sĩ Thu Trang.
Leave a Reply