Published on

Artwork Như hoa không tên

Tóm tắt:

Như hoa không tên là một trong những bài hát đề tài ngành nghề về báo chí. Tôi lấy ý tưởng từ câu chuyện cô gái phóng viên trong chuyến đi của Trại sáng tác xuyên Việt năm 2010. Và từ đó đến nay, bài hát trở thành một trong những ca khúc được yêu…


Bài liên quan

Lời bài hát

Sáng tác: Xuân Nghĩa
Giữa căn phòng, cô gái bước vào đám đông
Bao vết loang bụi đường vẫn còn trên áo
Cô gái âm thầm ngồi nơi cuối phòng
Hỏi xung quanh về cuộc sống thăng trầm
Mà phải đâu mấy ai cũng hiểu
Nên có người bỏ đi không nói năng gì
Ôi tôi biết rồi, cô là người vừa viết tin sáng nay
Bài viết chắt chiu từng nỗi niềm
Về cuộc sống đổi thay theo mỗi ngày
Bài viết nói thay từng số phận
Vừa vượt qua từng giông tố thăng trầm
Rồi hôm nay vẫn cây bút mọi ngày
Quyển nhật ký viết chưa từng nhắc tên mình
Tìm đến những nơi cần tiếng gọi
Của con tim người làm Báo chân thành
Như hoa không tên điểm tô bờ suối vắng
Không lung lay dù gió táp và mưa gào
Không kiêu sa khi bên Cúc Lan Hồng
Hoà mình vào mà không nhuốm thay màu
Phải không cô? cô phóng viên xinh đẹp!
Dù sóng gió vẫn bước đi bằng chính mình
Rồi sớm mai đây khi thức dậy
Nhìn xung quanh kìa cuộc sống đã chuyển mình.

Nghe nhạc

Hoàn cảnh sáng tác

Xem tiếp:…

Từ trại sáng tác xuyên Việt năm 2010

Cuối năm 2009, trong giờ teabreak của cuộc hội thảo về Văn hóa nghệ thuật của TP.HCM tổ chức, tôi cùng nhạc sĩ Thanh Bình đang trò chuyện, thì anh Nguyễn Văn Đua (lúc bấy giờ là Phó bí thư thành Ủy TP.HCM) bước lại. Hai chị em tôi cùng anh Ba Đua từng đi Trường Sa năm 2007 (xem thêm tại đây). Vì vậy khi gặp lại anh, chúng tôi rất vui mừng. Anh hỏi thăm CLB Sáng Tác Trẻ, và đề nghị chúng tôi nên tổ chức một trại sáng tác xuyên Việt cho các nhạc sĩ, và bảo sẽ chỉ đạo Thành đoàn TP.HCM xúc tiến. Ngay lúc đó, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cũng đến chào hỏi, và một số phóng viên giơ máy ảnh lên, chúng tôi tạm ngừng câu chuyện tại đó.

Thế rồi, vài tháng sau (2010), tôi nhận được cuộc gọi của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương (lúc bấy giờ là Phó giám đốc NVH Thanh Niên) bảo sắp xếp để tổ chức trại sáng tác xuyên Việt theo chỉ đạo của Thành đoàn TP.HCM. Ồ, không ngờ anh Ba Đua nói làm thiệt. Chúng tôi sắp xếp ngay một đội hình gồm một số nhạc sĩ, ca sĩ, nhiếp ảnh gia, và nhà văn tham gia. Ngoài ra, Thành đoàn cũng chỉ đạo báo Tuổi Trẻ cử 1 phóng viên đi theo đoàn đưa tin. Và tờ báo hàng đầu TP.HCM này đã cử My Lăng, một cây bút phóng sự, cùng đi theo chúng tôi. Như vậy, tổng cộng cũng khoảng gần 30 thành viên.

Hành trình của chúng tôi gồm chuyến city tour quanh TP.HCM, đi tàu ra Quãng Ngãi. Rồi di chuyển bằng xe ô tô để tham quan cảng Dung Quất, phố cổ Hội An, Đại nội Huế, thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Quảng Bình, chùa Bái Đính, động Tràng An ở Ninh Bình, lăng Hồ Chủ Tịch, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội; nhà sàn ở Tuyên Quang; hồ Ba Bể ở Ba Vì, Thái Nguyên; mộ anh Kim Đồng, hang Pác Pó ở Cao Bằng; cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn… Và trở về bằng máy bay. [Một trong những tác phẩm viết trong chuyến đi này đã trở nên nổi tiếng là “Đô thị xanh trên dòng sông Sài Gòn” của nhạc sĩ Thập Nhất.

Đến nỗi niềm một phóng viên  

Trong suốt chuyến đi, các văn nghệ sĩ thường tếu táo, bày trò vui vẻ. Có lẽ do cùng lĩnh vực, nên chúng tôi có chuyện để rôm rả. Riêng cô phóng viên trẻ My Lăng thì âm thầm hơn. Một phần do không cùng lĩnh vực, nên chẳng biết tham gia chuyện thế nào. Một phần cũng vì tính chất của một nhà báo, chỉ lắng nghe, thu thập thông tin, và nói bằng chữ. Điều này khiến một số người khó tính tỏ ra không hài lòng. Họ cho rằng tính cách cô ấy không hòa đồng.

Rồi cách vài ngày sau, báo Tuổi Trẻ cũng xuất hiện các bản tin về hành trình chúng tôi. Tổng cộng là 4 tin trên báo giấy trong 7 ngày. Nhưng nhiều người lại cho rằng tin tức hơi ít, phải là ngày nào cũng đưa tin mới “xứng tầm”.

Tôi phải mở ngoặc với các bạn rằng, thời điểm đó, báo điện tử chưa phát triển mạnh. Vì thế tin tức chủ yếu lên báo giấy. Và việc đưa tin được hay không còn tùy thuộc vào sự kiện có gì đáng nói không. Tuy nhiên, bệnh tưởng khiến một số người đòi hỏi cao hơn. Rằng nghệ sĩ đi tới đâu ai cũng cũng quan tâm, báo Tuổi Trẻ phải đưa tin, dù chỉ chụp ảnh tham quan. Và họ cho rằng cô phóng viên ấy nghiệp vụ kém. Tôi đến xấu hổ vì những hiểu biết chán đời như thế.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Mấy ngày sau khi trở về, My Lăng gọi điện cho tôi với giọng buồn trong nước mắt rằng, có người đã nói với lãnh đạo của cô về thái độ không hòa đồng trong chuyến đi, và đưa tin quá ít. Tôi muốn nổi khùng lên. Chữ in bằng tiền chứ có phải báo tường đâu mà muốn đăng gì thì đăng. Nếu có máy đo huyết áp lúc đó, chắc sẽ thấy máu nghề báo của tôi cao  hơn máu nghệ sĩ. Bạn phải hiểu, nếu tổ chức sự kiện mà báo chí không viết nổi, tức là bạn thất bại. Và hành trình của chúng tôi là đi sáng tác. Bao giờ có tác phẩm công bố thì mới được xem là thành công. Thế mà 7 ngày hành trình, chưa có tác phẩm mà đã có 4 bản tin, họ còn chưa vừa lòng?

Tôi chỉ an ủi thôi chứ biết làm gì giờ. Chuyện mấy ông nghệ sĩ tự dưng bắt phóng viên người ta lãnh đủ. Rồi bực bội mấy ngày, tôi nghĩ ra một cách: sáng tác một bài hát với hình ảnh cô phóng viên này. Coi như chuyến này tôi sẽ viết 2 bài hát, một bài về cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), và một bài về nhà báo. Nếu thành công, bài hát sẽ là gáo nước lạnh vào những định kiến ấy. Còn không thành công?… tôi chưa từng nghĩ điều này.

Bài hát Như hoa không tên   

Vậy chủ đề là gì đây? Đã có biết bao sáng tác về nhà báo, nhưng không mấy được nhắc lại. Có lẽ do cái nghề đặc thù mà dân ngoại đạo khó diễn tả. Tôi nhớ lại cái hôm đi tham quan hồ Ba Bể ở Ba Vì. Khi đến Ao Tiên, một cái ao thiên nhiên rất thơ mộng, chúng tôi thấy hai bên lối đi xuống hồ có rất nhiều hoa nhỏ giống mấy hoa li ti trong những bó hoa trang trí. My Lăng hỏi tôi hoa đó tên gì. Tôi vốn dốt đặc về cây cỏ, chỉ biết vài loại phổ thông như hoa hồng, hoa cúc. Còn lại có tên hay không tôi cũng không quan tâm, nên nói đại là hoa dại.

Ồ, hay quá, người làm báo cũng giống như loại hoa trang trí ấy. Âm thầm mà không thể thiếu, để tôn vinh những nhan sắc khác. Đây chính là hình tượng người làm báo mà tôi đang tìm.

Để mở đầu bài hát, tôi phác họa hình ảnh một nữ phóng viên đi lấy tin ở một sự kiện, tất tả lao vào công việc. Hình ảnh này bắt nguồn từ cái hôm đầu tiên ra ga Sài Gòn đón tàu đi Quảng Ngãi, lúc này phóng viên My Lăng mới xuất hiện. Trước mặt tôi là một nữ phóng viên trẻ có nét duyên, đang hớt ha hớt hải kéo chiếc vali sợ muộn giờ. Áo khoác còn xộc xệch, My Lăng cừa nói vừa thở: nguyên ngày em phải tranh thủ đi phỏng vấn và thực hiện cho xong phóng sự để nộp tòa soạn.

Trong suốt những ngày chúng tôi được tiếp đón tại các tỉnh, My Lăng thường ngồi ở cuối phòng để di chuyển linh hoạt mà chụp ảnh. Đây cũng là hình ảnh thường thấy trong các sự kiện, các phóng viên đều đứng ở những góc khuất, tránh làm phiền những người khác. Vì vậy, chữ “âm thầm” đã toát lên tính chất của một công việc vốn dĩ không dễ dàng:

“Giữa căn phòng cô gái bước vào đám đông,
bao vết loang bụi đường vẫn còn trên áo.
Cô gái âm thầm ngồi nơi cuối phòng
Hỏi xung quanh về cuộc sống thăm trầm…”.

Bài hát mở đầu như một ký sự, và khái quát hóa các công việc của một phóng viên bằng ca từ. Chẳng hạn, đối với bạn, quyển nhất ký để viết chuyện đời mình. Nhưng phóng viên có đến cả chục quyển nhật ký, chỉ viết chuyện đời người. Và họ tìm đến không phải vì “phong bì”, mà là máu nghề nghiệp, và cũng là nhiệm vụ. Kết quả công việc của những bông hoa không tên đó là thay đổi cuộc sống mỗi ngày. Và bài hát Như hoa không tên đã ra đời như thế.

Bài hát của những người làm báo  

Sau khi xong, tôi tiến hành làm bản phối âm bài hát Như hoa không tên bằng các phần mềm chuyên dụng. Đồng thời, sử dụng cây guitar điện để làm nhạc dạo. Rồi tôi tự ghi âm, xem như một sản phẩm âm nhạc do người công tác trong ngành báo chí, vừa sáng tác, vừa trình bày. Tôi đưa My Lăng nghe. Cô ấy chỉ cười nói: em biết anh viết về ai rồi, cảm ơn anh!

Ngày 21/6 sắp đến, tôi copy bản audio này ra nhiều đĩa, và đem tặng cho mỗi phóng viên đồng nghiệp hay phỏng vấn tôi một bản. Mọi người đón nhận khá trân trọng. Và sau đó, một số tờ báo đã đưa tin về bài hát Như hoa không tên này. Dần dần, trong các chương trình tôn vinh người làm báo hằng năm, bài hát này lại xuất hiện nhiều hơn. Một thời gian sau tôi nhờ ca sĩ Đức Tuấn ghi âm bài hát này để phổ biến rộng hơn. Rồi sau đó, không chỉ bằng giọng ca Đức Tuấn, mà phần lớn do chính các nhà báo thể hiện. Thậm chí, tôi được mời ra Hà Nội để trình bày bài hát này trong chương trình truyền hình trực tiếp trao giải báo chí. Nhiều phóng viên đã nói với tôi và có hơi đề cao rằng: đây đúng là bài “nhà báo ca”!

Lý do tôi nhờ ca sĩ Đức Tuấn thu âm lại bài hát Như hoa không tên, ngoài việc Tuấn thường tham gia các chương trình tôn vinh, còn vì phóng viên My Lăng rất ngưỡng mộ giọng ca sĩ nam cao trong bài Nơi ấy là Trường Sa mà tôi cho nghe trong hành trình. Cũng sau chuyến đi ấy, ước muốn ra Trường Sa để làm phóng sự của My Lăng đã thành hiện thực.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Liên hệ