“Người ta làm được thì mình cũng làm được” đó là kim chỉ nam mà đến tận bây giờ tôi vẫn lặp lại mỗi khi đối diện với một khó khăn nào đó hoặc nói với ai đó đang cố gắng trong cuộc đời mình.
Tuổi thơ thời bao cấp
Nếu nói chuyện về thế hệ chúng tôi đã tiếp cận âm nhạc như thế nào, thì sẽ rất khó tưởng tượng với các bạn thuộc thế hệ Y2K sau này. Bởi với những bạn sinh ra từ thập niên 2000, đất nước đã có những vị thế nhất định, việc trẻ con được cha mẹ cho học piano hay âm nhạc từ nhỏ là chuyện bình thường. Cho nên mới nói, với các bạn, ai không thích âm nhạc mới là lạ.
Nhưng với thế hệ sinh ra sau 1975, dậy thì ở những năm tháng đất nước bị Hoa Kỳ cấm vận, thì chuyện được học đàn từ nhỏ là điều xa xỉ. Giá những cây piano lúc ấy luôn quá tầm đối với một gia đình làm công chức cả đời. Bọn trẻ con chúng tôi, đứa may mắn thì được học guitar, con gái thì học đàn tranh, đàn bầu, mandolin. May ra đứa nào gia đình kha khá tí thì sắm được cây đàn organ cho con vọc cạch. Còn những đứa nhà nghèo mà biết chơi đàn, đích thị là có bố mẹ là nghệ sĩ, được “học ké” ở các trung tâm văn hóa, hay đoàn nghệ thuật.
Tôi cũng thuộc thành phần gia đình thiếu điều kiện như thế. Bố mẹ là công chức ngành hỏa xa, chẳng ai theo nghệ thuật. Bản thân tôi hồi bé chẳng quan tâm gì đến âm nhạc. Thậm chí hồi học lớp 6, khi làm các bài kiểm tra về âm nhạc, tôi toàn copy cô bạn bên cạnh. Mà đứa bạn ấy cũng có giỏi gì đâu, chỉ là con gái siêng năng hơn thôi. Ví dụ làm bài kiểm tra nhịp 4/4, chúng tôi sẽ làm “bài toán” tính nốt móc đơn móc kép sao cho bằng 4 nốt đen trong một ô nhịp. Còn cao độ thì cứ đánh dấu giữa mấy dòng kẻ là xong. Câu nhạc đó phát lên ra sao, đố ai biết. Chính vì vậy, phần lớn thế hệ chúng tôi, học nhạc ròng rã từ lớp 1 đến lớp 9, mà ra trường nhìn nốt nhạc như ngôn ngữ ngoài hành tinh.
Từ bài hát của cô bạn yêu thích
Như nói trên, hồi nhỏ tôi không thích âm nhạc. Tôi chỉ thích vẽ. (Cuối lớp 5 tôi từng được giải 2 cuộc thi vẽ nào đó cấp thành phố mà do các thầy cô tự đem tranh của tôi đi thi, chứ tôi không hề biết thi thố là gì). Nhưng khu phố tôi sống có một cô bạn bằng tuổi, học cùng trường, rất yêu ca hát. Vì gần nhà, nên chúng tôi quen và chơi với nhau từ nhỏ.
Khoảng cuối những năm 80, (khi ấy chúng tôi đang học lớp 8-9, không nhớ chính xác lắm). có bài hát tiếng Anh tựa đề “You’re my heart you’re my soul” của ban nhạc Modern Talking nổi đến mức, người ta còn đọc trại đi là “Già mà ham, già mà sầu”, còn tên ban nhạc đọc thành “Mô đen tắc kinh”! Cô bạn của tôi cũng nhanh chóng trở thành fan ghiền bản nhạc ấy. Nhiều lần cô bạn bảo tôi rằng muốn tìm lời bài hát này. Tôi không có, nhưng để có cơ hội tạo ấn tượng, tôi quyết tìm cách để có.
Thưa các bạn, thế hệ thời bao cấp của chúng tôi, khó có thể tìm được tài liệu nhạc tiếng Anh nào cả. May ra có những người giỏi tiếng Anh do làm việc ở chế độ cũ, sẽ ghi chép lại lời bài hát cho đám trẻ, rồi họ lưu truyền nhau qua những tập nhạc lưu bút, như bài hát Girl you are my love chẳng hạn. Chứ tìm một quyển sách nhạc in offset đẹp như bây giờ thì khó lắm. Lý do thứ nhất, lúc ấy tiếng Anh chưa được xem là ngoại ngữ chính đối với các nước Xã hội Chủ nghĩa. (Chúng tôi không chỉ học tiếng Anh, mà có cả tiếng Trung, Nga, Pháp). Thứ nhì là việc bị Mỹ cấm vận, nên dù Sài Gòn vốn ảnh hưởng ít nhiều đến văn hóa phương Tây, nhưng vẫn rất hiếm có sách vở tài liệu tiếng Anh được du nhập vào. Nếu có, thì chủ yếu là sách kỹ thuật khoa học. Vì thế việc tìm tài liệu nhạc tiếng Anh ở nhà sách lúc đó là “Mission Impossible”.
Vậy muốn có lời bài hát cho cô bạn gái ấy, chỉ còn cách tự viết lời ra mà thôi. Trời ạ! Thời ấy, các ca sĩ đều hát tiếng nước ngoài theo kiểu phiên âm Latin, nói kiểu dân dã là hát nhái âm theo. Thế mới có cảnh ca sĩ Việt Nam hát ca khúc Alibaba bằng tiếng Tây Ban Nha, hay Lambada bằng tiếng Brazil dù trên đất nước hình chữ S này chẳng nơi đâu dạy thứ tiếng đó. Vậy mà tôi dám nghĩ đến việc nghe nhạc ngoại viết ra lời tiếng Anh, khi trình độ chỉ đủ “Say Hello”.
Nhưng trái tim đã quyết thì phải làm. Tôi xin bố cho một cuộn băng casette cũ (vì băng catsette mới đắt lắm), rồi đạp xe đường Nguyễn Huệ, nơi đó có những kiot (giống như mấy cái sạp chợ cao cấp) chuyên sang băng catsette, đặt sang một cuộn băng Modern Talking đầu tiên cho mình.
Băng từ Cassette là phương tiện ghi âm phổ biến vào thập niên 80, (ra đời sau sản phẩm đĩa than). Để record băng, người ta dùng một thiết bị được gọi là “đầu câm” hoặc máy cassette có 2 hộc băng để “copy” tín hiệu analog từ hộc này qua hộc kia, gọi là “sang băng” (hộc này sang hộc kia). Còn việc ghi âm trực tiếp lên băng catsette như một thiết bị ghi âm, được gọi là “thu băng” (thu âm). Sau này, khi đĩa CD phát triển vào những năm 90, việc copy trực tiếp kỹ thuật số từ máy tính vào đĩa CD, được gọi là “in đĩa” chứ không phải “sang đĩa”.
Thời gian sang 1 cuộn băng kiểu analog là 90 phút. Nên mỗi máy chạy hết công suất cũng chỉ sang được 24 cuộn/ngày. Mà số lượng sang băng thì nhiều, nên phải chờ cả tuần mới đến lượt mình. Nhược điểm của loại băng từ là tín hiệu thu không rõ. Đồng thời, dây băng nghe nhiều sẽ bị nhão, đứt dây. Người ta phải lấy băng keo dán lại rồi nghe tiếp.
Sau khoảng 1 tuần, tôi nhận được cuộn băng từ cửa hàng và hồi hộp mở nghe. Từng bản nhạc Disco của Modern Talking lần lượt phát qua cái máy catsette từ đời ông nội để lại. và bắt đầu tập viết lời bài hát ra giấy.
Có thể nói, may mắn cho tôi là lên cấp 2 được học khối Anh ngữ, nên tôi bắt đầu việc nghe và viết lời tiếng Anh cũng khá thuận tiện. Ban đầu thì nghe rất khó, nhưng cứ dựa vào các tựa bài hát trên hộp băng, tôi cũng phần nào đoán ra câu từ trong bài hát. Tất nhiên, ban đầu tôi chỉ nghe được khoảng 10% lời bài hát. Những chỗ nào không nghe được, thì tôi phiên âm latin để đó. Rồi dần dần, tôi bổ sung sau lên 20%, rồi 30%… Đó là lý do môn tiếng Anh của tôi cũng kha khá. Đặc biệt là giúp tôi sau này sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh. Điển hình là ca khúc “Bye goodnight” đã đoạt giải nhất cuộc thi Unplugged – sáng tác bằng tiếng Anh vào năm 1996. (xem thêm bài viết: thành công đầu tiên bằng tiếng Anh)
Đến đam mê Modern Talking
Tuy nhiên, nếu chỉ vì học tiếng Anh và viết lời bài hát, thì chẳng có gì khiến tôi phải trở thành nhạc sĩ cả. Việc nghe đi nghe lại album của Modern Talking để viết lyric, cũng chỉ phần nào khiến tôi ngấm dần với thể loại nhạc Disco thế giới mà thôi. Điều đó chưa đủ…
Cho đến một hôm, khi đài truyền hình TP.HCM phát một chương trình ca nhạc quốc tế. Lúc ấy tôi định đi ngủ vì nghe những giai điệu phương Tây không quen. Chợt đến bài hát cuối cùng để kết thúc chương trình, biên tập viên giới thiệu: “…cuối cùng là ca khúc Em là trái tim là linh hồn của anh với sự thể hiện của ban nhạc Modern Talking”. Tôi giật mình, hình như đây cái bài hát mình đang thích, để xem thế nào.
Những năm sau giải phóng, nạn mù chữ còn nhiều. Nên các phương tiện truyền thông đều phải Việt ngữ hóa, chứ không đọc tiếng Anh như bây giờ. Đặc biệt là tựa bài hát. Cũng vì thế, một số ca khúc lúc ấy được định vị Việt ngữ trở thành tựa đề chính thức luôn. Chẳng hạn bài hát The Final Countdown được gọi là Đường lên các vì sao.
Và rồi, trên chiếc TV trắng đen cổ lỗ xỉ từ thời ông nội để lại, một chàng ca sĩ tóc dài, mặt đen xì xì, cùng với một tay guitarist màu tóc trắng xuất hiện (do nhà nghèo xem TV trắng đen mà, chứ thực ra tóc nghệ sĩ ấy màu vàng). Tôi thoáng nghĩ, mấy tay này nhìn ngầu vậy.
Sau câu nhạc dạo ngắn ngủi, nam ca sĩ chính (Thomas Anders) cất giọng với bài You’re my heart you’re my soul như cuộn băng cassette kia, tôi gần như đứng hình. Giọng ca ấy phải gọi là “Voice of angle” (giọng thiên thần), cùng một sự kết hợp hoàn hảo với tay guitarist (Dieter Bohlen) trong bộ đồ áo da, có nụ cười khiến khán giả phải điên đảo. Wow, tôi không thể diễn tả được cảm xúc kỳ lạ vào lúc ấy. Nó tuyệt vời không thể tưởng.
Bắt đầu từ đó, tôi như phát cuồng với ban nhạc này. Cuộn băng cassette Modern Talking đó được tua đi tua lại cả trăm lần, đến nỗi bị đứt, nối lại nghe tiếp cho đến khi nhão băng. Hình ảnh nhạc sĩ Dieter Bohlen cùng cây guitar trong video clip ấy cứ ám ảnh trong đầu tôi. Mỗi lần nghe nhạc của họ, tôi lại cầm cây chổi quét nhà của mẹ, tưởng tượng làm cây đàn, rồi cứ thế mà “biểu diễn” như Dieter Bohlen trong chương trình truyền hình ấy. Và sau này (năm 1996), tôi cùng nhạc sĩ Bảo Huy (con trai nhạc sĩ Thế Hiển) cùng lập ban nhạc lấy tên The Broom (Cây chổi) là như vậy (xem bài viết về ban nhạc Cây chổi).
Ôm đàn chổi mãi cũng chán, tôi quyết định dành số tiền lì xì Tết vào khoảng năm học lớp 9, để mua 1 cây đàn guitar rẻ nhất ở cửa hàng mậu dịch. Đồng thời, tôi lân la đạp xe ra đường Lê Lợi (Quận 1), tìm mua những quyển sách dạy đàn guitar bày bán ở vỉa hè, về học. Nói là sách, chứ hồi đó người ta gọi là “sách bướm”, giống như những tài liệu in roneo với khoảng 12 – 18 trang mà thôi. Trên đó, chủ yếu là nhạc lý tóm tắt, với các thế bấm hợp âm, và cách gảy đàn, cùng một vài minh họa. Tôi bắt đầu học guitar từ những tài liệu như thế.
Một hôm tôi sang nhà một người bạn hàng xóm. Ông anh của bạn tôi biết chơi organ và đàn guitar. Anh ấy đang mở một cây đàn organ, và chơi intro bài The Final Countdown. Woa, anh ấy đánh hay quá. Nhưng điều khiến tôi quan tâm nhất, là tay trái đệm hợp âm của anh ấy. Làm sao anh ấy biết hợp âm nào mà di chuyển? Tài thật! Thế là tôi quyết định tìm học cách làm sao để chuyển hợp âm bằng thính giác. Nhưng chẳng ai, và chẳng có sách nào dạy điều đó.
Phòng tập nhạc
Sau khi tìm hiểu từ một người bạn thân, tôi được biết Sài Gòn có 2 phòng tập nhạc là Trúc Giang (đường Trần Bình Trọng, Quận 5) và Nguyễn Tình (đường Cô Giang, Quận 4). Đầu tiên, tôi cùng người bạn ấy đến thuê giờ ở phòng tập Trúc Giang, chơi nhạc được 1 giờ đồng hồ. Sau đó, tôi lại đến phòng tập Nguyễn Tình để thử. Cả hai phòng tập này đều cho thuê đàn guitar điện, trống, organ và hệ thống âm thanh. Tuy nhiên, có vẻ giá thuê ở phòng Nguyễn Tình hợp với túi tiền của một học sinh hơn. Đặc biệt, là anh quản lý ở đây nhận dạy tôi chỉ với 60.000 đồng đến khi “ra nghề”. Với mức giá đó, tôi được sử dụng đàn và nhạc cụ tập miễn phí. Và tôi bắt đầu “học nhạc” tại đây.
Ban nhạc đầu tiên
Đúng như người ta nói: “không có gì rẻ mà tốt cả”. Việc học đàn ở đây chẳng đi tới đâu. Nhưng bù lại, tôi có nhiều thời gian và được sử dụng nhạc cụ đến lúc nào chán thì thôi. Buổi sáng tôi đến trường, chiều nếu không học thêm, thì về phòng tập để tự dợt đàn một mình. Cho nên, dù mang tiếng đi học, nhưng thực chất vẫn là thuê đàn dài hạn để tự học.
Một chiều muộn, tôi đang tập đàn ở đây, thì một anh chàng mặc đồ học sinh bước vào. Cậu ấy cứ thế ngồi vào bộ trống. Những lời nói đầu tiên của chúng tôi không phải là “bạn tên gì” mà là “chơi bài gì”. Cứ thế tôi tập solo guitar, còn anh bạn kia gõ trống theo đến khi phòng tập đóng cửa.
Tưởng chỉ gặp vậy thôi, thế nhưng vài ngày sau, chúng tôi lại tiếp tục gặp nhau, cũng vào khung giờ cuối ngày ấy. Lúc đó chúng tôi mới hỏi tên nhau, và được biết cậu ấy tên Tấn Trung, đi học buổi chiều. Tan học cậu ta qua đây để tập. Và cũng giống như tôi, cậu ta chọn “lớp học giá rẻ” để rồi chủ yếu là dùng trống tự học là chính. Cậu ấy giữ nhịp trống rất tốt, đôi tay biết điều tiết lực gõ, nên dù ngồi trong một gian phòng, nhưng tiếng trống không ầm ĩ, mà nghe khá dễ chịu. Việc có cậu ta gõ trống, khiến tôi cũng hào hứng hơn. Thay vì chỉ hòa tấu, chúng tôi bắt đầu vừa đệm vừa hát những bài tiếng Anh quen thuộc.
Vài bữa sau, một học viên mới tên Sinh xuất hiện, lấp vào vị trí guitar bass. Rồi tuần kế tiếp, Sinh rủ thêm một người bạn chơi guitar cùng tham gia. Người bạn mới ấy tên Tôn Thất Long. Và không ai rủ ai, như một duyên số, chúng tôi cứ thế trở thành một band, hẹn gặp nhau tập dợt vào cuối tuần, chỉ để thỏa mãn một điều: được lập 1 ban nhạc biểu diễn.
Như vậy ban nhạc tự phát của chúng tôi chỉ thiếu tay keyboard mà thôi. Một hôm, một người bạn cũ học cấp 2, tên Phước, tìm đến nhà, rủ tôi tham gia lập ban nhạc “liên quân” cho lớp bạn ấy tại trường Bùi Thị Xuân. Hiện tại lực lượng mới của lớp Phước chỉ có 2 keyboard. Tôi thích lắm, và nói hiện cũng có nhóm bạn gồm trống, bass, guitar, muốn rủ tham gia chung. Tuy nhiên, hồi đó chưa có điện thoại, nên muốn thông tin cho nhau, phải chờ đến ngày tập ở phòng nhạc Nguyễn Tình mới gặp được.
Và rồi đến hôm tập như lịch, tôi rủ Phước cùng đến tập chung. Phước cũng rủ thêm Vũ Hoàng Tiến Bảo – keyboard đến chung. Sau khi nghe Phước và Bảo nói ý định, cả bọn quyết định cùng tham gia, vì cơ hội được biểu diễn trên sân khấu thực thụ.
🖲️ Vào những năm 80, 90, ở Sài Gòn rất nhiều ban nhạc. Nên phong trào chơi nhạc thời đó chủ yếu là nhạc Pop Rock của phương Tây. Còn Bolero thì chỉ để mấy tay nhậu khề khà mà thôi.
Bài học trên sân khấu
Nhiệm vụ của ban nhạc chúng tôi là đệm các tiết mục múa hát cho các thí sinh. Hồi đó chưa có nhạc nền hay youtube như bây giờ, nên tất cả phải hát cùng ban nhạc. Đó cũng là lý do hồi đó phần lớn những bài hát trong ngày 20/11 đều liên quan đến mái trường và tuổi học trò. Không như bây giờ, khi công nghệ kỹ thuật số phát triển, hiếm thấy những ca khúc tuổi hồng xuất hiện trong những ngày hiến chương. Vì vậy chúng tôi phải dành cả tháng để tập dợt với từng thí sinh.
Gần đến ngày diễn, thì Sinh guitar bass quyết định rời nhóm. Tôi cùng Tôn Thất Long và Tấn Trung ngồi lại bàn. Thời gian không còn nhiều, mà tìm đâu ra tay bass traám chỗ. Nhìn đi nhìn lại, một trong hai người là tôi và Long phải chơi tạm guitar bass. Tuy nhiên, Long chơi guitar cứng hơn tôi. Nên tôi chuyển qua học bass để giữ vị trí cho chắc.
Tôi đồng ý và liền đăng ký thêm “khóa học bass cấp tốc” với anh quản lý ở phòng tập Nguyễn Tình. Tuy nhiên, việc học bass có vẻ nhanh hơn, bởi ít nhiều tôi đã học qua guitar. Ngoài việc tập đàn ở phòng tập, tôi còn dùng cây guitar accoustic ở nhà, sử dụng 4 dây bass để tập. Đặc biệt là bắt từng câu bass disco theo những bài hát của Modern Talking qua băng catsette. Điều này giúp tôi cảm nhận nhanh chóng nguyên tắc chuyển hợp âm mà tôi đã đề cập ở phần trước. Chưa đến nửa tháng, tôi đã vào vị trí guitar bass cho ban nhạc.
Thế nhưng, “cuộc đời nào có như mơ”. Đến ngày thi, một số thí sinh xin đổi bài. Vậy là nhiều bài hát đã tập trở thành công cốc. Trưởng nhóm Tiến Bảo liền nói với chúng tôi: chơi tự do, (hay còn gọi là chơi “Phun rô” (đọc trại của từ Full – lấp đầy – trong tiếng Anh)). Bạn biết không, đến lúc này tôi chỉ muốn trốn mà thôi, bởi trình mới tập sao đòi chơi nhuyễn như vậy được. Biết làm sao được, mới ra trận không thể “buông súng”. Mà guitar bass lại giữ vị trí dẫn hợp âm cho cả ban nhạc. Thôi thì tới đâu hay tới đó.
Ban đầu, những ngón đàn của tôi khá nhát, thậm chí đánh không vào nhịp trống của Tấn Trung, Tiến Bảo phải nhắc hợp âm cho tôi. Nhưng trên sân khấu với những chiếc loa công suất cả trăm wát, thì tiếng nhắc của Bảo chẳng nghe tới đâu. Vì thế, 80% là “chơi đại”, 20% còn lại là giữ vị trí nốt nhạc trên cần đàn. Cứ thế, tôi đánh liều luôn. Ít nhất, tôi cũng được một lần biểu diễn như Dieter Bohlen trong ban nhạc Modern Talking chứ.
Và bạn biết không, những bài hát học sinh thời đó cũng có những ảnh hưởng nhất định từ các ca khúc bất hủ trên thế giới, về luồng hợp âm, về nhịp phách. Vì thế, khi tôi buông hết, mặc theo cảm âm, ít nhiều những nguyên tắc dẫn hợp âm đã xuất hiện. Những hợp âm đó đi theo cách mà những ca khúc của Modern Talking đã chơi, và tôi bắt đầu đệm theo bài hát một cách tự nhiên hơn. Từ đó, kỹ thuật đệm hợp âm theo âm giai tự dưng hình thành, và giờ thì tôi có thể đệm theo giai điệu mà bạn hát bất kỳ mà không cần nhìn đến nốt nhạc.
Sau chương trình thi đó, Phước rời nhóm. Còn lại 4 thành viên gồm Tiến Bảo, Tôn Thất Long, Tấn Trung và tôi làm nòng cốt, lập ban nhạc lấy tên The Student. Bên cạnh cũng có nhiều thành viên khác tham gia không cố định. Có khi lên đến 10 người với nhiểu vị trí khác nhau. Và chúng tôi đệm nhạc cho các trường đại học, phổ thông đến năm 1995 mới kết thúc.
Ban nhạc cùng ước mơ được đứng trên sân khấu của tôi bắt đầu như vậy đó. Về sau này, Tấn Trung trở thành ca sĩ phòng trà, Tiến Bảo tiếp nối sự nghiệp gia đình quản lý công ty Nhạc Việt, Tôn Thất Long vừa làm designer vừa chơi nhạc buổi tối. Còn tôi sẽ tiếp tục câu chuyện với các bạn ở phần sau.