Trở về

,

Published on

artwork Trở về

Tóm tắt:

“Trở về” được xem là một trong những bài hát hay về mẹ. Thường được chọn vào các playlist trên những chuyến xe đường dài.


Bài liên quan

Lời bài hát

Sáng tác: Xuân Nghĩa
Bước chân qua bao tháng ngày phiêu lãng,
Đường về con phố xưa nay đây rồi,
Bồi hồi rung tiếng chuông trước mái hiên nhà.

Phút giây qua con tim chợt nao nao,
Kìa mẹ đang bước ra trước hiên nhà,
Thời gian trôi quá mau tóc mẹ bạc đầu.
Tuổi mẹ già giờ mẹ đâu có mong chi,
thương đàn con giờ nơi chốn nào.
Cuộc đời nghèo giàu sang biết ra sao,
một trang thơ mẹ vẫn chờ tin.

Nhìn lại mình còn được đi khắp muôn nơi,
thua gì ai trần gian chốn này.
Để mẹ già ngồi đây vá khâu,
mình đơn côi nhìn nắng chiều buông.
Lớn lên bao năm trong vòng tay ấy,
giờ đặt chân bước ra với cuộc đời,
nhẹ giang đôi cánh bay khắp bốn phương trời.

Có sông sâu nơi đâu mà chưa qua,
kìa đỉnh cao dưới chân đã bao lần.
Mà sao vẫn xót xa tiếng con gọi mẹ.
Tuổi mẹ già giờ mẹ đâu có mong chi,
thương đàn con giờ nơi chốn nào.
Cuộc đời nghèo giàu sang biết ra sao,
một trang thơ mẹ vẫn chờ tin.

Nhìn lại mình còn được đi khắp muôn nơi,
thua gì ai trần gian chốn này.
Để mẹ già ngồi đây vá khâu,
mình đơn côi nhìn nắng chiều buông.
[Giảng tấu]
Chặng đường dài nào mà ta đã đi qua,
chân trời xa nào ta đã tìm.
Giờ ngồi lặng nhìn lên giữa không gian,
hỏi vinh quang nào có mẹ không?

Mặt trời hồng rồi ngày mai cũng qua đi.
Sông dài kia ngày mai cũng cạn.
Hỏi cuộc đời tìm ở đâu chốn nương thân,
ngoài mái ấm mẹ vẫn chờ mong.

Thèm một lần được nằm nghe tiếng ru êm.
Nghe thời gian nhẹ trôi trước thềm.
Lòng nghẹn ngào rồi bật lên tiếng thơ ngây:
Mẹ ơi con mẹ đã về đây.
Mẹ ơi con mẹ đã về đây.
Mẹ ơi con mẹ đã…. về đây.

Nghe nhạc

Mở để xem

Hoàn cảnh sáng tác

Xem chi tiết

Trở về là bài hát về mẹ được sáng tác vào khoảng năm 1997 để tôi chơi cùng ban nhạc The Broom. Sau đó đến năm 2006 mới hoàn chỉnh. Bản ghi âm này cũng là bản thu đầu tiên mà ca sĩ Thái Thùy Linh thực hiện để gửi đi dự thi chương trình Bài Hát Việt số 3 (2006). Sau đó, ca khúc đã giành được giải thưởng do khán giả bình chọn trong chương trình này. Từ thành công này, Thái Thùy Linh đã đưa bản ghi âm này vào album Trở về của giọng ca Sao Mai Điểm Hẹn.

Sở dĩ tôi viết ca khúc này, vì cũng là sự ngẫu nhiên vào khoảng năm 1997. Khi đó, tôi đang viết nhiều ca khúc cho ban nhạc mới – The Broom – của mình. Bên cạnh những bản nhạc mang chất Rock như Cất Cánh; Rock’n Roll cho em; Hát đi em…, tôi cần một bài hát mang chất Rock Ballad. Và tôi bắt đầu rải âm Em (Mi thứ).

Những ngón tay tôi rải tạo nên ngay câu intro từ ban đầu, và tôi ngâm nga ra giai điệu tròn trĩnh ấy. Bản nhạc này nhanh chóng hoàn tất về mặt giai điệu trong thời gian ngắn, bởi yếu tố lặp đi lặp lại là chủ yếu. Về phần nội dung, tôi sáng tác dựa theo cảm xúc của bộ phim “Cỏ lồng vực” đã xem trên TV. Bộ phim nói về một cậu con trai ở quê miền Bắc. Cậu sống với mẹ già, nhưng lười biếng, và từ bỏ quê lên Hà Nội làm giàu. Nhưng số phận cậu luôn bị thất bại, và đi tù vì buôn hàng lậu. Sau vài năm ra tù trở về, cậu ngỡ ngàng khi nhìn thấy bàn thờ mẹ…

Khi những câu nhạc đầu tiên xuất hiện:

"Bước chân qua bao tháng ngày phiêu lãng
Đường về con phố xưa nay đây rồi
Bồi hồi rung tiêng chuông trước mái hiên nhà"

Đoạn này đã gọi cho tôi hình ảnh khoảnh khắc người con trai ấy đứng trước bàn thờ mẹ già. Và từ đây, tôi phát triển những đoạn sau dựa trên hình ảnh đó. Sau này tôi được biết câu kết thúc: Mẹ ơi con mẹ đã về đây! khiến không ít người nghe đã rơi nước mắt.

Trở lại với bài hát về mẹ. Sau khi sáng tác xong, tôi cùng nhạc sĩ Bảo Huy (con trai nhạc sĩ Thế Hiển) thử ghi âm kiểu Unplugged tại nhà của Huy. Gọi là “thu âm” cho oách, chứ thiết bị thu Home Studio lúc bấy giờ chỉ là máy catsette mà thôi. Không như phòng thu âm hiện nay của chúng tôi. Và không gian không có cabin tiêu âm, mà thu hát trực tiếp giữa phòng khách.

Lúc đầu, tôi có viết một câu trong đoạn điệp khúc thế này: “Thằng nào nghèo giàu sang biết ra sao…”. Chợt nhạc sĩ Thế Hiển lúc bấy giờ đang nghỉ trong phòng, ông nghe câu đó vội đi ra và đề nghị tôi sửa lại thành: “Cuộc đời nghèo giàu sang biết ra sao”. Ông khuyên tôi hạn chế sử dụng những từ như “thằng này thằng nọ”, nghe không đượt lọt tai. Và tôi đã sửa theo đề nghị của tác giả “Hát về anh”.

Bài hát được chúng tôi biểu diễn khá nhiều trên sân khấu với ban nhạc. Và bạn bè tôi luôn đề nghị tôi hát ca khúc này trong những lần gặp gỡ.

Cho đến khoảng năm 2006, khi đó tôi đang hợp tác với nữ ca sĩ Thái Thùy Linh trong một vài công việc. Một lần chúng tôi đến quán nhạc của một người bạn, tôi được mọi người đề nghị hát lại bài Trở Về. Khi đó, tôi lên sân khấu, mượn đàn guitar và hát. Ngay sau đó, Thái Thùy Linh với tôi rằng muốn hát bài này, vì cô cũng là một người đã xa mẹ cha để vào nam sinh sống, và cảm nhận bài hát đồng cảm với hoàn cảnh của mình.

Tuy nhiên, có một điều mà tôi rất băn khoăn. Nguyên nhân là ca khúc được soạn trên cung Em cho giọng nam, sử dụng dây buông của đàn guitar. Nếu chuyển qua giọng nữ (Bm), thì phải dùng đến công cụ Capo Guitar ở ô gần cuối cần đàn. Như vậy, câu giảng tấu chơi kiểu móc classic sẽ không rõ một số thế bấm.

Tôi có lý giải phần dịch tone này trong bài viết về “Thu âm đám cưới cần lưu ý gì khi chọn nhạc beat

Vài tuần sau, tôi bắt đầu chú ý đến cuộc thi Bài hát Việt mới lên sóng truyền hình được 2 số. Thú thực, tôi không quan tâm lắm đến “tranh tài thi thố”. Bới là dân làm sự kiện, chúng tôi hiểu rằng, cái giá trị giải thưởng vài chục triệu giải thưởng chỉ là số nhỏ so với cái giá của nhà tài trợ rót vào. Những đơn vị thực hiện bên lền sân khấu mới là người hưởng lợi từ các cuộc thi. Còn “thí sinh” như chúng tôi, phải bỏ tiền làm nhạc để cuộc thi trở nên hào hứng cho họ.

Trong khi đó, Thái Thùy Linh mới được biết đến từ giải thưởng phong cách nhạc Rock ở cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2004. Cô hoàn toàn chưa có một ca khúc dấu ấn cho mình. Đối với tôi, người thành công trong nghệ thuật cần có một dấu ấn tác phẩm. Chính vì thế, tôi quyết định một lần nữa trở lại sân khấu tranh tài. Và đăng ký ca khúc “Trở về” với phần thể hiện của Thái Thùy Linh.

Tôi nhanh chóng hoàn thiện ca từ bài hát Trở Về, vì phần lời trước đây ngắn hơn, ít xúc tích hơn. Sau khi sửa xong, tôi cần một nhạc sĩ hòa âm phối khí trực tiếp với tôi. Giai đoạn này ban nhạc Cây Chổi của chúng tôi cũng đã kết thúc, nên tôi không có Band để chơi lại tác phẩm. Trong khi đó, ca khúc này được viết một cách toàn diện, từ cấu trúc intro, câu dẫn cho đến giảng tấu, tất cả là một khối không thể tách rời. Nên tôi cần trực tiếp thực hiện bản hòa âm, cùng một nhạc sĩ có thiết bị đầy đủ.

Và tôi tìm đến nhạc sĩ Quốc Vượng ở gần nhà, và cùng làm việc 1 buổi. Câu intro và giảng tấu đó, tôi phải dùng công cụ Capo Guitar để chơi. Và một số nốt ở câu giảng tấu phải bỏ. Bản Beat hoàn thành ngay sau khi tác giả “Chợt nghe bước em về” hoàn thiện bản mix. Đây chính là bản audio Trở Về mà Thái Thùy Linh đã phát hành, và cũng là bản mẫu cho các nhóm nhạc chơi về sau này.

Trước khi phát hành album Trở Về, Thái Thùy Linh từng đặt một nhạc sĩ thực hiện toàn bộ album cho mình. Trong đó, bài Trở Về cũng được nhạc sĩ này hòa âm lại, vui tươi hơn. Sau khi Linh đưa tôi nghe, tôi nói ngay: cho tôi rút bài hát ra khỏi album này, bởi người hòa âm không hiểu mình đang làm gì. Linh cũng đồng tình, và quyết định vẫn giữ bản ghi âm mà tôi thực hiện để phát hành album đầu tiên. Trong album này cũng có thêm ca khúc “Tiếng gọi mùa xuân” mà tôi sáng tác cho Linh ngày đầu tiên trở về Hà Nội sau nhiều năm Nam tiến.

Sau khi làm nhạc xong, tôi và Thái Thùy Linh cùng vào Studio của nhạc sĩ Nguyễn Hưng Thịnh. Đây cũng là phòng thu âm mà tôi đã thực hiện những bản ghi thành công như: “Mãi là người thanh niên Việt Nam“; “Nơi ấy là Trường Sa“… Chúng tôi thực hiện bản ghi âm hoàn chỉnh, và gửi đến ban tổ chức cuộc thi Bài Hát Việt số 3. (Đây cũng là bản audio chính thức mà các bạn nghe từ album Trở Về của ca sĩ Thái Thùy Linh).

Ngay sau khi cuộc thi diễn ra, Thái Thùy Linh đã biễu diễn live rất ấn tượng trên sóng truyền hình. Cơ cấu cuộc thi Bài Hát Việt này chỉ có 2 giải. Một giải do Hội đồng giám khảo bình chọn. Và một giải do khán giả bình chọn. Kết quả công bố sau 1 tháng, bài hát Trở Về được giải do khán giả bình chọn. Và từ đây, Thái Thùy Linh gắn liền với ca khúc Trở Về trên toàn quốc vào năm 2006.

Đến năm 2012, bài hát về mẹ một lần nữa trở lại với giọng hát nữ ca sĩ Đinh Hương, và gây ấn tượng với khán giả trong chương trình Liveshow Giọng hát Việt. Bài hát đã giúp Đinh Hương lọt vào Top 2 thí sinh xuất sắc nhất của đội Hồ Ngọc Hà. Cũng từ đây, bản ghi âm mới của nữ Á quân này đã được đưa vào danh sách những bài hát hay về mẹ trên nền tảng nhạc kỹ thuật số. Những playlist này thường được các bác tài mở trên những chuyến xe đường dài, khiến ca khúc cũng tiếp cận được những khán giả ở các tỉnh thành cả nước.

Báo chí liên quan

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Don`t copy text!
Liên hệ