Bản hùng ca trên đại dương

,

Published on

artwork - Bản hùng ca trên đại dương

Tóm tắt:

Bản hùng ca trên đại dương là một trong những bài hát cổ động tôi viết vào năm 2011. Nội dung ca khúc tưởng nhớ về những chiến công và hy sinh của đoàn tàu không số huyền thoại. Bài hát này được sáng tác trên tàu HQ996, trong hành trình theo dấu tích đường…


Bài liên quan

Lời bài hát

Sáng tác: Xuân Nghĩa
Những con tàu năm ấy đi trong màn đêm
Vượt sóng gió với bao người tuổi trẻ
Vì nguyện ước quê hương sau này bình yên.
Bản hùng ca đã viết trên đại dương
Bằng tiếng súng vang lên xé tan màn đêm
Bằng những bức chân dung người thủy thủ
Vừa nằm xuống trên sóng biển mênh mông.
Ơi những con tàu đạp sóng gió trùng khơi
Nơi đêm đêm hỏa châu thắp soi
Vì miền Nam đang gọi chính tên mình
Những hy sinh bao nhiêu lần không nhớ
Mà chỉ nhớ lời thề năm xưa
Ra đi vì tổ quốc quyết sinh
Rồi hôm nay trên mảnh đất thanh bình
Ta nghiêng mình trước biển trời quê hương.

Nghe nhạc

Click here

Hoàn cảnh sáng tác

Khoảng tháng 9 năm 2011, tôi mới về làm phóng viên ở báo Thanh Niên. Tình cờ lướt facebook tôi thấy một số thông tin về một sự kiện sắp diễn ra: hành trình 20 ngày đi biển theo con đường tàu không số huyền thoại. Tôi không khó để moi thông tin từ hệ thống Đoàn, và được biết đây là chương trình kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, do Trung ương Đoàn tổ chức. Chương trình này được gọi là học kỳ trên biển (tương tự như học kỳ quân đội ấy, nhưng là hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển mà chúng ta thường gọi là tàu không số).

Xem

Cơ hội có một không hai

Tôi nhận ra ngay, đây là hành trình có một không hai trong đời mình. Bạn phải hiểu rằng, người ta chỉ tổ chức hành trình như vậy vào năm chẵn (50 năm). Và hành trình ấy chỉ có ý nghĩa nếu có các nhân chứng lịch sự đi cùng. Đó là các thuỷ thủ đoàn tàu không số. Tuy nhiên, năm đó các bác đã già hết cả… vì vậy, liệu 60 năm, 70 năm sau có thể tổ chức hành trình được nữa không? Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này, và gọi ngay cho đồng chí Lê Quang Tự Do (lúc bấy giờ là cán bộ ban tuyên giáo Trung ương Đoàn). Tự Do cũng là một người anh em khi anh đang là sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM. Vì thế, tôi có thể gọi dễ dàng, và nói rằng mình muốn được tham gia hành trình này, với tư cách một phóng viên. Đồng chí Tự Do bảo tôi, sao anh không đăng ký sớm, bên báo Thanh Niên đã cử 2 phóng viên miền Trung đi rồi. Để em tính.

Rồi vài bữa sau, Tự Do gọi cho tôi bảo là Trung ương Đoàn đồng ý, và sẽ gửi công văn cho báo, đề nghị cử anh đi. Nhưng anh cũng giúp em một việc là sáng tác giúp em một bài về chương trình Tàu không số này. Tất nhiên là tôi đồng ý! Tôi biết có nhiều bạn đã từ chối hải trình này, bởi lý do… sợ ói. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi đi dài ngày trên biển không đơn giản, nhất là say sóng. May cho tôi đã trải qua những ngày đi Trường Sa bằng tàu HQ957 (tàu cứu hộ) vào năm 2007, nên cũng biết mình cần chuẩn bị điều gì. Hơn nữa, cái tính tò mò về nhưng “con tàu ma” mà hồi nhỏ từng nghe kể, khiến mình phải đi cho được.

Học kỳ trên biển

Và chỉ vài ngày sau, tôi có mặt tại Quân chủng Hải quân (Thành phố Hải Phòng), cùng với hơn 100 bạn trẻ đến từ 63 tỉnh thành toàn quốc, để bắt đầu cho một hành trình 20 ngày của những con tàu không số huyền thoại. Hành trình của chúng tôi đi qua bến K15 (Hải Phòng), bến sông Gianh (Quảng Bình), nơi tiếp giáp vĩ tuyến 17; bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi), bến Vũng Rô (Phú Yên), bến Lộc An (Bà Rịa- Vũng Tàu), bến Thạnh Phong (Bến Tre), bến Cồn Tàu (Trà Vinh) và sau cùng là bến Vàm Lũng (Cà Mau) và trở về TP.HCM. Chúng tôi đi theo hải trình mà đoàn tàu không số đã thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển như thế nào.

Đương nhiên, tôi có điều kiện trò chuyện với các bác cựu thuỷ thủ năm xưa. Có thể nói đơn giản thế này: “tàu không số” không phải không có số, mà là có rất nhiều số. Hay nói đúng hơn, là không có số nào cố định. Các con tàu này được cải trang thành nhiều tàu khác nhau. Khi thì là tàu đánh cá, khi thì là tàu buôn nước ngoài. Trước khi vào vùng biển tỉnh nào để thả vũ khí, các thuỷ thủ sẽ sơn tàu, đổi số hiệu, rồi mới vào bờ. Sau khi thả xong vũ khí, tàu quay đầu đi ngược trở lại ra hải phận quốc tế, lại sơn phết, thay đổi số xong mới đi tiếp sang vùng biển tiếp theo. VÌ vậy, khi địch phát hiện có tàu đổ vũ khí, chúng sẽ báo cho các đồn ở tỉnh bên về số hiệu tàu. Nhưng bên kia sẽ không tìm thấy con tàu nào có số hiệu ấy, mà chỉ thấy những con tày Phillpine hay Indonesia đang di chuyển trên hải phận quốc tế mà thôi. Chúng bực bội và gọi đó là những con tàu ma.

Sáng tác trong cabin thủy thủ

Để phục vụ cho các đại biểu của hành trình này, Hải quân cũng đưa một chiến sĩ làm công tác văn công đi theo với một cây đàn organ. Bên cạnh đó, từ lúc rời bến, chúng tôi đã gặp bão đuổi phía sau. Vì vậy, dù không sóng gió như những ngày đi Trường Sa, nhưng cũng đủ làm các thành viên đoàn sớm mệt. Và vị trí ít bị lắc lư nhất là dưới boong tàu. Vì thế, tôi mượn cây đàn của anh chiến sĩ ấy, và ngồi trong khoang thuỷ thủ (vào những giờ họ lên boong) để sáng tác.

“Những con tàu năm ấy đi trong màn đêm
Vượt sóng gió với bao người tuổi trẻ”

Câu mở đầu để nói đặc điểm của những con tàu không số: luôn ra khơi vào đêm tối, đặc biệt là những ngày mưa gió giông bão để tránh bị tuần tra. Đây là điều khác biệt, nếu bạn muốn nói về những con tàu không số. Và các ca từ cứ thế nối tiếp nhau xuất hiện. Tôi viết bài hát này suốt nhiều ngày liền. Có những lúc bí ca từ, tôi lại lân la lên nói chuyện với các bác thuỷ thủ xem có tứ gì mới không.

Ngày 23/10/2011, chúng tôi cập cảng lữ đoàn 125 (Cát Lái – TP.HCM), kết thúc 18 ngày trên biển với con tàu HQ996 đầy kỷ niệm cùng hơn 100 thành viên. Trong hội trường họp mặt hôm ấy, tôi đã hát công bố ca khúc này. Đồng chí Lê Quang Tự Do hôm đó cũng có mặt, anh đang lúi húi ghi chép gì đó. Khi nghe câu hát cuối “rồi hôm nay trên mảnh đất thanh bình, ta nghiêng mình trước biển trời quê hương”, anh ngước lên, và cười: Hay!

Bài hát sau này được sử dụng trong một số chương trình về biển đảo, nhưng bị nhầm lẫn đổi tên thành Bản hùng ca trên biển (bạn có thể tìm thấy tựa đề này trên google). Rồi tựa đề này cũng được đưa thành tựa phóng sự về tàu không số. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc các biên tập và ca sĩ rằng, tựa đề bài hát về tàu không số này phải là “Bản hùng ca trên đại dương”, bởi tôi muốn nói hải trình tàu không số không chỉ là vinh quang, mà còn là những người nằm xuống giữa lòng “đại dương” mênh mông.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Liên hệ