Lời bài hát
Sáng tác: Xuân Nghĩa
Một vòng tròn nối cánh tay nhau Một ngọn đuốc thắp sáng lên cho hòa bình Một đàn chim tung cánh Cho ước mơ bay vào không gian Và trên cao lung linh giữa bầu trời Một vì sao đang giang tay đón chào Một nụ cười đầy khát khao Về một thế giới đầy ước mơ.
Bạn bè đã đến hôm nay
Vòng quay thân ái đến cho mọi người
Một vì sao năm cánh
Mang tiếng nói chung từ muôn nơi
Và trên cao nguyên xanh ngát bầu trời
Về miền trung du biển khơi sóng trào
Một dòng người nối cánh tay nhau
Về trong tiếng hát yêu thương cho hòa bình.
Chorus:
SEA Games SEA Games
Việt Nam xin đón chào
Ước muốn dưới ánh nắng phương Đông
Một hành tinh vang tiếng cười
Tôi và anh, giờ chung một hướng
Hỡi những cánh chim bay
Vượt lên phía trước
Đón nắng ấm ban mai
Cùng đón những trái tim mê say
Đón thế giới hôm nay
Và đón cánh tay bạn bè.
Nghe nhạc
Click here
Hoàn cảnh sáng tác
Hẳn không ít bạn còn nhớ vào năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức đại hội thể thao SEA Games 23. Lúc đó, có một ca khúc mang tên Cùng dưới nắng phương đông xuất hiện trong cuộc thi tiếng hát truyền hình TP.HCM, đem lại vinh quang cho nữ ca sĩ Hồ Bích Ngọc năm ấy. Sau đó, ca khúc về kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á này được xuất hiện liên tục và được một tờ báo đánh giá là ca khúc xếp hạng thứ 2 về tỷ lệ được hát nhiều trong kỳ SEA Games năm ấy (chỉ sau bài hát chính thức Vì một thế giới ngày mai).
(Xem chi tiết…)
Từ bài hát “Tự Nguyện” nhịp 4/4
Trở lại khoảng những năm đầu 2000, khi Câu lạc bộ Giai điệu xanh và bài Đến với con người Việt Nam tôi được biết đến trong bài viết trước (xem tại đây), tôi cũng có nhiều hoạt động gắn bó với nhóm này. Một hôm, anh Hồng Phúc (chủ nhiệm CLB Giai điệu xanh) gọi cho tôi, nhờ dựng giúp cho nhóm bài hát Tự nguyện để trình bày trong 1 chương trình chính trị tại Nhà văn hoá Thanh niên. Ca khúc Tự nguyện thì ca sĩ nào cũng biết. Nhưng cái khó ở đây là bản phối âm (không rõ lý do gì) đã được thực hiện trên nhịp 4/4, thay vì 2/4 như nguyên tác của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Bạn cứ hình dung, cuối mỗi câu hát, ca sĩ sẽ phải ngân dài 3 phách, khiến bản nhạc trở nên lê thê, mệt mỏi.
Trong khi đó, ngày biểu diễn đã sát nút, không còn thời gian để phối lại, nên anh Phúc phải nhờ đến tôi xử lý. Sau khi nghe xong, tôi quyết định lấp vào những trường độ lê thê đó, bằng những câu nhạc feeling như trong dòng nhạc Soul trên thế giới. Và những câu feeling đó, luôn có giai điệu cao hơn giai điệu chính của bài, đòi hỏi một giọng nữ sáng, khỏe, tầm cữ rộng và cao. Lúc đó, Hồ Bích Ngọc – một sinh viên nhạc viện TP.HCM và cũng là thành viên Giai điệu xanh – được xem là giọng ca sáng giá cho nhiệm vụ này.
Sau khi nghe Hồ Bích Ngọc thể hiện những đoạn feeling mới, tôi cảm thấy như nổi gai óc, bởi âm sắc trong vắt, được thể hiện bằng giọng thật chứ không hề dùng kỹ thuật giọng gió. Buổi biểu diễn thành công, bài hát Tự Nguyện nhịp 4/4 được trình diễn một cách độc đáo qua đoạn feeling mà Hồ Bích Ngọc thể hiện. Cả tôi và anh Phúc đều gật đầu: Hay và lạ!
Từ đây, tôi bắt đầu tự hỏi, vì sao những giọng ca đầy nội lực như vậy lại không nổi tiếng so với nhiều chất giọng mà với tôi chỉ đáng tầm hát karaoke. (Âm nhạc Sài Gòn thời điểm ấy như thế các bạn ạ). Và tôi quyết định sẽ viết một bài hát theo đúng chất giọng đặc biệt của Hồ Bích Ngọc.
Đến việc chọn đề tài SEA Games
Vào giai đoạn 2002, đã có cuộc vận động sáng tác về SEA Games 23, và tôi không có ý định tham gia. Thậm chí cho đến khi công bố bài hát chính thức Vì một thế giới ngày mai, tôi cũng không có ý định viết. Tuy nhiên lúc này, tôi lại nghĩ, viết một bài hát với chất giọng đặc biệt của Hồ Bích Ngọc về thế vận hội thể thao Đông Nam Á là hợp lý. Một mặt, là có bài hát cho nhóm Giai điệu xanh bổ sung vào các chương trình biểu diễn cổ động, một mặt có ca khúc để tôn giọng của Hồ Bích Ngọc, và một mặt muốn mọi người thấy khả năng sáng tác của tôi không chỉ dừng lại ở Đến với con người Việt Nam tôi.
Lúc bấy giờ, trong bài hát “Vì một thế giới ngày mai” của nhạc sĩ Quang Vinh, có câu nhạc khiến tôi chú ý: “nắng phương đông, chiếu sáng SEA Game, Việt Nam hân hoan chào đón”. Nội dung này không có gì đặc biệt ngoài chữ “nắng phương đông”. Vâng, mặt trời nào thì cũng mọc đàng đông. Nhưng Việt Nam chúng ta nằm trên bờ đông thềm lục địa Châu Á, nên chúng ta gọi biển Thái Bình Dương là biển đông, và đương nhiên chúng ta sẽ đón ánh mặt trời mọc phía đông sớm hơn so với các nước phía trong lục địa. Vì vậy, nắng phương đông tuy không phải là tiêu biểu nhưng vẫn là đặc trưng của Việt Nam.
Đồng thời, nó cũng khiến tôi hình dung góc nhìn từ trên cao xuống cuộc tranh tài, ta sẽ có cảm giác hai vận động viên đang cố “dìu nhau về đích”, thay vì góc nhìn từ dưới đất: hai vận động viên đang “tranh nhau về đích”. Đây chính là thông điệp hữu nghị mà các kỳ vận hội thể thao đem tới. Vì vậy, bài hát sẽ không có chuyện “ta quyết đấu” hay “quyết thắng” hay “phải giành giải thưởng”. Mà thay vào đó là: “tôi và anh, giờ chung một hướng, và cùng vượt lên phía trước”.
Thời điểm trước đó cũng có một bài hát nổi tiếng thế giới của ban nhạc Rock Scorpions, tựa đề Under the same sun (cùng dưới ánh mặt trời). Vì vậy, tôi đã ghép 2 ý tưởng này lại thành Cùng dưới nắng phương đông. Chất liệu âm nhạc là thể loại Ballad, có lên tone điệp khúc ở cuối bài cho cảm giác rực sáng. Còn về nội dung thì tôi không cần giông dài, bạn có thể đọc lời và tự cảm nhận.
Sau khi viết xong cơ bản, tôi gọi Hồ Bích Ngọc đến nhà, hát thử theo nguyên tác của tôi, và chỉnh sửa sao cho toát hết được những âm sắc đặc biệt của Ngọc. Đặc biệt là phần hát nối như tôi đã thể hiện trong bản phố Tự nguyện nói trên. Sau khi hoàn tất, anh Hồng Phúc lại giúp tôi đưa bài hát đi làm nhạc.
Một tuần sau, thì tôi nhận được đĩa nhạc nền, và cùng với Hồ Bích Ngọc vào studio của nhạc sĩ Đinh Quang Minh để thực hiện demo. Khác với các buổi ghi âm khác, thường ca sĩ chỉ việc hát đúng nguyên tác là xong. Nhưng đây là phần ghi âm để tìm những âm sắc đẹp nhất của Ngọc, nên chúng tôi thu tới thu lui khá nhiều lần. Từ cách nhả hơi cho đến những âm sắc luyến láy phải nhuần nhuyễn, và rõ chữ ở những nốt liên hồi. Buổi ghi âm mất hơn hai tiếng, sau đó chúng tôi đem bản ghi về nghe. Quả thực là khá hài lòng.
Và tiếng hát truyền hình 2003
Vào thời điểm đó, nhiều hãng băng đĩa cũng tìm các bài hát SEA Game để phát hành. Tôi cũng gửi bản audio này cho một số biên tập. Tuy nhiên, họ cho rằng bài hát SEA Games này chậm, không vui, nên từ chối. Đấy, câu chuyện tư duy nhạc phong trào phải vui đã trờ thành công thức của một thế hệ rồi. Giống như chuyện bản ballad của thanh niên mà tôi kể trong bài Mãi là người thanh niên Việt Nam ấy (xem tại đây). Và rồi, khi mà các đĩa nhạc SEA Games đã lên kệ xong, thì Cùng dưới nắng phương đông vẫn chỉ là bản audio demo không ai biết đến.
Rồi một hôm (trước khi SEA Game 23 diễn ra không lâu), Hồ Bích Ngọc vui mừng báo tôi biết mình đã lọt vào vòng bán kết tiếng hát truyền hình năm đó. Và Ngọc sẽ chọn bài Cùng dưới nắng phương đông để thể hiện. Woa, tuyệt vời, cơ hội tới rồi! Bạn biết không, nếu một chiếc đĩa nhạc được phát hành vào thời điểm đó, (nếu bán hết) thì mới chỉ được vài ngàn lượt nghe chơi. Nhưng nếu bài hát lọt vào cuộc thi nổi tiếng tiếng này, và được truyền hình trực tiếp trên HTV, thì sẽ có ít nhất 1/4 dân số TP.HCM biết đến. Nếu Hồ Bích Ngọc thể hiện tốt, thì chắc chắn hàng triệu người dân TP.HCM sẽ ấn tượng.
Đúng như vậy, tối hôm vòng bán kết diễn ra, phần dự thi của Hồ Bích Ngọc đã tạo ra một sự bất ngờ đối với khán giả. Tất cả bài hát được thể hiện đúng như những gì chúng tôi đã làm trong studio. Khi bài hát kết thúc, tiếng vỗ tay đã kéo dài trên truyền hình. Hồ Bích Ngọc đặt chân lên đầu bảng, lọt vào vòng chung kết. Ngày hôm sau, tôi nhận được cơn mưa lời khen về bài hát Cùng dưới nắng phương đông rằng: viết lâu chưa; có tham gia cuộc thi sáng tác không; cho xin nhạc nền để mấy đứa đi hát;…
Đến đêm chung kết, tôi không đi xem trực tiếp tại nhà hát thành phố, mà ngồi ở nhà xem qua TV. Ở vòng thi này, ngoài bài hát Cùng dưới nắng phương đông, Ngọc cũng phải đăng ký thêm một ca khúc khác về TP.HCM. Sau khi thể hiện xong 2 bài một cách trơn tru, bảng điểm của Hồ Bích Ngọc vượt lên tất cả các thí sinh trước đó. Thậm chí, tôi còn nhớ chủ khảo là nhạc sĩ Nguyễn Nam đã cho nhầm điểm, và rồi phải sửa ngay trên truyền hình trực tiếp khiến hai MC phải chờ trong giây lát.
Tôi quyết định chạy lên nhà hát thành phố để chứng kiến giây phút đăng quang của Ngọc. Tiện đường tôi ghé qua văn phòng ở báo Sài Gòn Giải Phóng, lấy một gói mì tôm, (tượng trưng cho những ngày tâp luyện nhọc nhằn), bọc vào tờ giấy báo, để làm quà vui vui. Thời khắc công bố trao giải đã đến, Hồ Bích Ngọc được xướng tên trong không khí vỡ oà của nhà hát: giải nhất Tiếng hát truyền hình 2003. Trong không khí vui mừng, tôi hoà vào cùng nhóm Giai điệu xanh và đưa gói “quà” ấy. (Đến tận bây giờ, nhiều người cũng biết về gói mì tôm ấy khi nhắc đến Hồ Bích Ngọc và bài hát này).
Ngày hôm sau, các báo đài không chỉ nhắc đến Hồ Bích Ngọc mà còn nhắc đến bài hát sinh sau đẻ muộn của thế vận hội Đông Nam Á năm ấy. Thậm chí, trên radio VOH đã có hẳn 2 buổi phát sóng đọc thư cảm nhận của khán giả. Bài hát bổng trở thành một hiện tượng vào thời điểm SEA Games 23. Trên 1 tờ báo đã tổng kết rằng Cùng dưới nắng phương đông được hát nhiều nhất trong mùa SEA Games 23 (chỉ sau bài chính thức Vì một thế giới ngày mai).
Leave a Reply