Nơi ấy là Trường Sa

,

Published on

Artwork - Nơi ấy là Trường Sa

Tóm tắt:

Nơi ấy là Trường Sa là bài hát đề tài cổ động được viết vào năm 2007, sau chuyến đi thăm các đảo Trường Sa. Bài hát hiện là một trong những ca khúc biển đảo hay nhất, và được sử dụng nhiều trong các chủ đề chương trình, cũng như các bài báo khi…


Bài liên quan

Lời bài hát

Sáng tác: Xuân Nghĩa
Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió
Có những con người thay chúng ta
Đang vượt qua ngọn sóng vươn tới chân trời
Giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người.
Ngoài kia không có Ngọc Lan
Không tiếng chim hót ngày nắng hồng
Không hẹn hò và không đón đưa
Những trưa chiều về không tiếng hát
Chỉ có gió sương trên cánh tay những người tuổi trẻ
Đang kề bên nhau, vì non sông mãi yên bình.
Chorus: 
Trường Sa, ah ha ha ha ha
Mảnh đất quê hương nơi giữa muôn trùng
Từng bão giông gió mưa mịt mùng
Mà vẫn luôn sáng nơi chân trời
Cùng với bao chàng trai ra nơi ấy
Ngăn sóng gió biên thuỳ nơi ấy là Trường Sa.
Trở lại từ đầu (Phía xa xa...)
Chorus: 
(Trường Sa ah ha ha ha ha...)
Coda:
Trường Sa ah ha ha ha ha ha
Bài hát cho anh chưa viết nên lời
Mà tiếng ca đã vang lên rồi
Từ trái tim biết bao con người
Cùng hướng ra, ngoài khơi xa mênh mông đó
Nơi có những con người, đang sống vì Trường Sa.

Nghe nhạc

Click here

Hoàn cảnh sáng tác

Khoảng chục năm trở lại đây, nếu bạn có dịp đi thăm quần đảo Trường Sa, sẽ nhận được một chiếc huy hiệu Trường Sa do hải quân Việt Nam trao tặng. Thế nhưng, tôi lại không có. Hay nói đúng hơn, những người đã đi thăm Trường Sa vào những năm 2000 đều không có. Do lúc bấy giờ, việc đi thăm đảo còn rất hạn chế. Mỗi năm chỉ có 2 chuyến vào tháng 4 mà thôi. Vì thế việc có một cái gì đó làm kỷ niệm của đảo lúc bấy giờ là điều không tưởng. Và tôi đã có một câu chuyện về món quà của đảo, dẫn đến việc sáng tác bài hát Nơi ấy là Trường Sa như hiện nay như sau:
(click vào đây xem tiếp):

Đến với quần đảo Trường Sa

Tháng 4 năm 2007, tôi được UBND TP.HCM mời tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi thăm quần đảo Trường Sa. Chiếc tàu đưa chúng tôi đi mang số hiệu HQ957. Theo tôi được hiểu, đây là loại tàu cứu hộ của hải quân, dùng để lai dắt tàu nạn hoặc tàu chiến ra điểm bắn. (Trường hợp cứu người trên biển sẽ dùng trực thăng), cho nên nó chạy lì và khá chậm. Vì thế, 15 ngày đi biển, nhưng chỉ có thể di chuyển đến 6 điểm. Gồm nhà giàn DK1, đá Tốc Tan, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn. Nghiệt một cái năm đó, chúng tôi gặp bão suốt hải trình. Khó khăn lắm chúng tôi mới lên được các đảo Tốc Tan, Đá Tây A, Trường Sa Đông. Còn với nhà giàn DK1 và đảo Phan Vinh, chúng tôi đành “lỡ hẹn” với những người lính trên đó, dù tàu đã đến nơi mà không thể vào được.

Câu chuyện tôi muốn kể với bạn là ngày cuối cùng đến với đảo Trường Sa lớn. Hôm đó là chiều muộn, tôi và anh Nguyễn Văn Đua (lúc bấy giờ là Phó bí thư thành ủy TP.HCM) đứng ngắm hoàng hôn ở mũi tàu và trò chuyện về gia đình. Chợt xa xa cuối chân trời, tôi thấy một hình dáng mờ mờ. Tôi hỏi anh Đua, “có phải đảo Trường Sa lớn kia không anh?” – “Chắc vậy, Nghĩa cũng tinh mắt đó” Anh Đua trả lời.

Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ đến Trường Sa lớn vào buổi sáng hôm đó. Nhưng do sóng gió mấy hôm trước, nên hải trình chậm lại. Vì thế, chuẩn đô đốc hải quân lúc đó đã quyết định để đoàn nghỉ lại 1 đêm trên hòn đảo này.

Sau khi đi qua đàn cá heo lượn trên mặt sóng, tàu HQ-957 cũng đã đến trước cầu tàu của hòn đảo Trường Sa lớn. Tuy nhiên, chúng tôi gặp một trắc trở: “Sóng lớn quá, tàu không thể vào được”. Một thủy thủ trẻ giải thích với tôi. 

Thông thường ở những vùng biển gần đất liền, tàu sẽ đi là là song song với bờ, và dùng quán tính trôi tàu vừa đủ để dừng lại khi cập cầu. Nhưng ở đây nếu đi như vậy, sẽ bị sóng đánh ngang, va vào đá ngầm. (Chúng tôi cũng từng bị sự cố va chân vịt xuồng cứu hộ vào đá ngầm khi rời đảo Trường Sa Đông hôm trước). 

Trên cabin, chuẩn đô đốc và thuyền trưởng, cùng anh Nguyễn Văn Đua đăm chiêu trao đổi. Có lẽ, câu chuyện buộc phải chia tay đảo sớm sẽ được đưa ra bàn lúc này. Nếu đúng như vậy, thì đây sẽ là điểm thứ 3 bị hủy bỏ trong hải trình. Có nghĩa là, đến năm sau mới có tàu khách trở lại. Những người lính sẽ tiếp tục ở lại ngoài kia gần 365 ngày nữa giữa biển cả mênh mông.

Tuy nhiên lần này, thuyền trưởng tàu HQ-957 đã quyết định thử một cơ hội khác. Dưới sự chỉ huy của ông, con tàu chuyên lai dắt ấy đã chạy trực diện vào cầu. Khi đến gần, thì quay ngang, và để sóng đánh trôi tàu vào cầu tàu, và dùng lốp cao su để chống va đập. Sau một hồi hò hét, các thủy thủ HQ-957 cũng đưa tàu cập cảng một cách an toàn. Mọi người nhanh chóng mang hành lý cá nhân gọn nhẹ xuống đảo để nghỉ. Và các thủy thủ vận chuyển hàng hóa cấp tốc, để tàu sẽ ra ngoài neo đậu. Một không khí tất bật diễn ra ngay trên cầu đảo Trường Sa lớn.

Tối hôm đó, chúng tôi có một chương trình giao lưu văn nghệ giữa những nghệ sĩ TP.HCM và các chiến sĩ hải quân đảo Trường Sa, và một đêm ngả lưng sung sướng nhất trong hải trình lênh đênh sóng gió.

Chiếc nón hải quân

Sáng hôm sau, chúng tôi dạo chơi quanh đảo, trò chuyện với những người lính xa quê. Đến 9 giờ thì tập trung vào hội trường chuẩn bị cho buổi trò chuyện của lãnh đạo thành phố với các chiến sĩ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi ra hành lang nói chuyện phiếm. Nhìn các chiến sĩ hải quân trong hội trường, tôi chợt nghĩ và nói với hai nhạc sĩ Đỗ Phan Kỳ Anh và Phan Thị Thanh Bình: “phải chi mình có cái nón hải quân về làm kỷ niệm nhỉ”.

Đúng là mỗi khi chúng ta đi đến đâu, cũng muốn mua một cái gì đó về làm kỷ niệm. Và đến đây cũng vậy. Có điều, Trường Sa toàn nắng gió. Đến chim chóc nếu có cũng không bay nổi, hoa trồng lên cũng bị gió quật, lấy gì mà làm “đặc sản”. Duy nhất sống được ở đây [lúc bấy giờ] là cây Bàng vuông và cây Phong ba, cùng mấy loại dây mọc trên cát như rau muốn biển với loại hoa mà nhạc sĩ Thanh Bình đã viết (trong bài hát “Tiếng hát nơi đảo xa” của chuyến đi này): anh tặng em hoa muống biển giữa trùng khơi… Vì thế, trong con mắt dân đi đây đi đó như tôi, thì quà lưu niệm hợp lý ở hòn đảo này là chiếc nón hải quân. Tất nhiên, làm gì có chuyện đó xảy ra. Hai nhạc sĩ kia chỉ cười, gật đầu ờ ờ, phụ họa thêm vài lời về công dụng của chiếc nón, rồi lái qua chuyện khác.

Nhưng điều tôi không ngờ đến, là có một người lính trẻ làm công tác rót nước pha trà đứng ở sau lưng tôi, đã nghe được câu chuyện ấy. Đến buổi trưa, sau khi chúng tôi vừa dùng cơm thân mật xong, người lính đảo kia đã đến và nói rằng muốn gặp riêng tôi. Chúng tôi ra một gốc cây trò chuyện. Đấy là một cậu lính trẻ trạc tuổi nghĩa vụ quân sự, dáng người vừa phải, da sạm nắng, mặc chiếc áo trắng cổ yếm xanh của hải quân. Bằng giọng hơi nhập ngừng, cậu lính đảo ấy cố gắng diễn đạt thành ý của mình: “Hồi nãy em có nghe anh nói muốn có một chiếc nón hải quân để làm kỷ niệm. Chúng em trên đảo cũng không có gì, nên em xin tặng anh chiếc nón và áo cũ này để làm kỷ niệm”.

Tôi như chết đứng. Trời ạ, lỡ dại mồm khiến cho mình rơi vào tình cảnh khó xử. Tôi hiểu rằng đây là quân trang quân dụng của người lính, không thể đi xin như vậy được. Tôi định từ chối, nhưng cậu lính trẻ nói ngay: “Anh đừng ngại, em còn quân phục mà. Cái nón và áo này cũ rồi, nhưng nó là đồ của lính đảo Trường Sa thật. Các anh các chị nghệ sĩ ở đất liền ra thăm bộ đội là quý đối với chúng em rồi. Chúng em ngoài này chẳng có gì. Nghe anh mong muốn vậy, em xin tặng anh để nhớ đến những người lính đảo Trường Sa chúng em”.

Nói rồi, cậu lính trẻ lấy bút ký lên chiếc nón và áo hai chữ: Hải Triều. Tôi không thể từ chối được nữa. Và tôi tặng lại Hải Triều tập bài hát của mình.

Ba hồi còi vang lên, những sợi dây tời được tháo ra, tàu HQ957 bắt đầu rời đảo. Trong hàng ngũ thủy thủ nghiêm trang tiễn đoàn trên đảo, có một người lính trẻ trên tay cầm tập nhạc, đầu trần. Chiếc nón hải quân của cậu ấy đang nằm trong tay tôi.

Bài hát Nơi ấy là Trường Sa

Suốt hành trình còn lại, tôi luôn cảm thấy áy náy với quyết định nhận quà từ người lính đảo. Tôi tâm sự với vài người trong đoàn. Đa số các anh đều trách: “Sao lại đi lấy đồ của lính. Mày cần thì anh xin cho một cái nón mới. Thậm chí, trao tặng đàng hoàng…”. Tôi cứ suy nghĩ mãi, việc mình làm vậy có đúng không. Nhưng chắc chắn một điều, chiếc nón tôi cầm trong tay đã nhuộm màu sương gió Trường Sa, khác hoàn toàn một chiếc nón mới xuất xưởng. Nó minh chứng cuộc đời tôi đã đặt chân đến quần đảo thiêng liêng ấy. Vậy đáp lại, tôi cần phải sáng tác một bài hát thật xứng đáng.

Vài tháng sau, tôi có việc đi Cần Giờ một mình bằng xe máy. Hôm ấy trời vừa mưa xong, hơi nước hòa trong không khí mát mẻ, làm người ta dễ hồi tưởng đến quá khứ. Và tôi đã nhớ lại hình ảnh chuyến đi Trường Sa ấy, câu chuyện về người lính trẻ và  chiếc nón hải quân. Rồi tôi lẩm nhẩm một giai điệu: “phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió…”. Thế là bài hát Nơi ấy là Trường Sa được bắt đầu.

Sau khi về, tôi tiếp tục hoàn thiện bài hát trong vài tháng. Ban đầu, phần điệp khúc chỉ có một lần. Tuy nhiên, sau khi hát tới hát lui, tôi vẫn thấy thiếu một cái kết thật ý nghĩa. Nó chưa đã! Có lẽ trời cho tôi một khả năng diễn giải bằng ca từ khá phong phú, nên tôi không gặp khó khăn khi quyết định sáng tác tiếp một Coda (phần kết) bằng chính giai điệu điệp khúc của bài:

“…Bài hát cho anh chưa viết nên lời,
mà tiếng ca đã vang lên rồi, từ trái tim biết bao con người,
cùng hướng ra, ngoài khơi xa mênh mông đó.
Nơi có những con người, đang sống vì Trường Sa”.

Bài hát hoàn tất vào khoảng đầu năm 2008. Sau khi sáng tác xong, tôi báo cho nhạc sĩ Thanh Bình biết. Chị ấy lập tức bày một bữa tiệc nhỏ tại nhà, mời một số anh em thân thuộc trong đoàn cùng đến để nghe tôi giới thiệu bài hát này. Sau khi nghe xong, chị Thanh Bình nói với tôi rằng, chị thích cái coda đó: “Bài hát cho anh chưa viết nên lời, mà tiếng ca đã vang lên rồi…”

Người lính già ở Cam Ranh

Sau khi tôi viết xong bài hát này, thì cũng là lúc tôi được Thành đoàn TP.HCM và Nhà văn hóa Thanh Niên mời đi giao lưu tại cảng quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi sẽ diễn ra lễ tiễn quân ra Trường Sa. (Đây là đợt thay quân cho các đảo). Và trước hôm lên đường, chúng tôi cùng nhau biểu diễn ca nhạc  và tặng quà tại đây. Buổi tối hôm ấy, tôi được mời lên giao lưu về chuyến đi. Tôi kể lại kỷ niệm ấn tượng về hải trình sóng gió, và định nói về người lính trẻ tặng chiếc nón. Tuy nhiên, những người trong ban tổ chức, muốn dành thời gian cho các tiết mục khác, nên không muốn tôi giông dài. Họ vội cho MC ra cắt ngang khi tôi chưa kịp kể về người lính trẻ. Thay vào đó, tôi phải hát ngay bài hát mới “Nơi ấy là Trường Sa”.

Ban đầu, tôi định hát bằng đàn guitar cho khác với các ca sĩ. Tuy nhiên, do không chuẩn bị trước nên hội trường không có chân micro để tôi hát. Vì vậy, tôi phải dùng đến nhạc nền, để có thể cầm micro thay vì cầm đàn. Phần dạo nhạc bắt đầu với tiếng sóng vỗ, hòa tiếng piano long lanh như những giọt nước vang lên. Và tôi bắt đầu…

Tuy nhiên, khi mới hết đoạn 1, chẳng hiểu thế nào nhạc nền bị tắt. Tôi chưng hửng trên sân khấu. Nhưng lúc đó, cả hội trường đã vỡ òa khi câu cuối ngân lên: “…những chàng trai ra nơi ấy, ngăn sóng gió biên thùy, nơi ấy là Trường Sa”. Tiếng reo hò cuối hội trường của những chiến sĩ trẻ, cùng tiếng vỗ tay xuất hiện giữa bài. (thường khán giả sẽ vỗ tay cuối bài. Chỉ khi lời ca chạm đúng cảm xúc, thì họ sẽ vỗ tay dù mới hết lần 1).

Trong lúc đứng trên sân khấu, tôi để ý thấy hàng ghế đầu có một người đàn ông lớn tuổi, mặc áo sơ mi cộc tay bình thường, khi những người xung quanh mặc quân phục. Chắc hẳn là lãnh đạo hoặc tương đương. Khi kết thúc phần biểu diễn của mình, tôi lui sau sân khấu. Bổng người đàn ông mặc thường phục ấy xuất hiện và nói: “cho tôi gặp nhạc sĩ Xuân Nghĩa một chút”. Tôi quay qua “Vâng em đây”. Người đàn ông vội vàng bắt tay: “Tên tôi là Hải Quân. Con trai tôi cũng là bạn của nhạc sĩ. Nó giới thiệu với tôi rằng từng được nhạc sĩ tặng cho một tập nhạc. Tên nó là Hải Triều”.

Ố! Tôi bất ngờ đến không nói được gì. Một cảm xúc lẫn lộn. Những bực bội vì sự cắt ngang vô duyên của MC, và sự cố nhạc nền vừa rồi bỗng biến mất. Thay vào đó là cảm xúc vui mừng, được gặp bố của người lính trẻ ấy. Tuy vậy, cuộc gặp gỡ của chúng tôi chỉ vài câu ngắn ngủi. Lúc đó sân khấu cũng vừa kết thúc, các nghệ sĩ lui vào hậu trường, nên không khí khá lộn xộn. Tôi bảo cho phép tôi dọn đàn xong, sẽ gặp ông ngay. Tuy nhiên, sau đó tôi phải gặp gỡ chào hỏi các sĩ quan và chiến sĩ. Đến khi tôi hỏi về ông, thì một sĩ quan cho biết ông đã về rồi.

Từ đó, tôi không gặp ông nữa. Tôi tiếc là chưa kịp kể cho ông nghe về chiếc nón hải quân của cậu con trai đã khiến tôi viết nên bài hát ấy. Có lẽ niềm tự hào đáng có của một người cha hải quân đã bị đánh mất bởi suy nghĩ hạn chế của người chỉ huy sân khấu hôm ấy. Những người làm chương trình này không hiểu một sự kiện cần có dấu ấn và điểm nhấn. Họ chỉ nghĩ rằng, việc đem các ca sĩ đến mới là sự kiện. Vì thế, họ đã bỏ lỡ một câu chuyện có một không hai, và một cơ hội không bao giờ có lại.

Đức Tuấn và Nơi ấy là Trường Sa

Sau khi bài hát Nơi ấy là Trường Sa hoàn chỉnh, tôi đã nhờ nhạc sĩ Phạm Gia Khang phối nhạc theo tone Si thứ (Bm) để tôi hát giao lưu tại cảng Cam Ranh như kể trên. Sau cuộc giao lưu đó, tôi phân vân không biết nên chọn giọng ca nào cho bài hát của mình. Việc quyết định chọn ca sĩ đầu tiên cực kỳ quan trọng. Vì ca sĩ đó phải truyền tải tất cả ý tứ mà bạn muốn thể hiện cho khán giả nghe.
Và tôi đã quyết định gọi cho Đức Tuấn, ca sĩ từng phát hành bài hát Bye goodnight (Chúc ngủ ngon) của tôi trước đó. Ngoài ra, Đức Tuấn cũng từng là thành viên CLB Giai điệu xanh, trong tốp ca Đến với con người Việt Nam tôi trước đây. Nên tôi nghĩ, có thể Đức Tuấn cũng sẽ hiểu cách phát triển âm giai của tôi.

Lần thứ nhất chúng tôi vào phòng thu NT Studio. Nhưng sau khi vỡ bài, chúng tôi mới thấy phần nhạc nền bài hát Nơi ấy là Trường Sa mà Phạm Gia Khang thực hiện hơi thấp so với giọng nam cao của Đức Tuấn. Vì thế phải dùng phần mềm nâng bản nhạc nền lên 1,5 cung (là từ Si thứ (Bm) lên Rê thứ (Dm)). Rồi dự định sau khi Tuấn thu âm xong, tôi sẽ nhờ Phạm Gia Khang xuất lại file nhạc nền mới với tone Dm thay vào. Tuy nhiên, sau khi nâng tone, phần nhạc nền bị méo tiếng, khiến cho Đức Tuấn không cảm được nhạc để thu âm. Sau vài lần hát thử không thành, chúng tôi quyết định dời ngày thu âm cho đến khi có nhạc nền bài Nơi ấy là Trường Sa hoàn chỉnh.

Sau khi về, tôi gọi cho Phạm Gia Khang thì được biết, cây đàn đang để ở một phòng trà, nơi anh chơi nhạc hằng đêm. Mặt khác, anh ấy sẽ phải đem đàn vào phòng thu âm và đánh nhạc lại từ đầu với tone của Đức Tuấn, và có thể mất cả tuần vì anh ấy đang bận. Vì thế, tôi quyết định sử dụng chiếc máy Jam Station JS5 chuyên đệm nhạc để chơi guitar mà nhạc sĩ Hoài An để lại cho tôi trước kia, cùng chiếc đàn keyboard Casio, để cover lại phần nhạc mà Phạm Gia Khang đã thực hiện, và chuyển tone Dm cho Đức Tuấn. Cũng vì đó, phần đệm audio mà các bạn nghe hiện nay có phần long lanh do hiệu ứng (effect) của chiếc máy Jam Station JS5 đem lại, tạo nên một chất nhạc Ballad hoàn toàn khác với nhạc đệm tình ca trong nước quen thuộc.

Chỉ sau một đêm, tôi đã thực hiện xong phần nhạc nền hoàn chỉnh. Hôm sau chúng tôi trở lại NT Studio. Cũng như bao nghệ sĩ khác, Đức Tuấn lúc ấy hoàn toàn không có khái niệm gì về biển đảo. Cầm tờ bài hát Nơi ấy là Trường Sa trên tay, Đức Tuấn cố gắng diễn tả bằng tất cả cảm xúc đến từ kỹ thuật thanh nhạc, cảm nhận lời hát, và hướng dẫn của tôi. Tuy nhiên, có lẽ với sự nhanh nhạy và chuyên nghiệp, Đức Tuấn thực hiện khá dễ dàng.

Khi những nốt nhạc cuối cùng đã thu xong, tôi dành thêm một ngày nữa để kỹ thuật viên phòng thu hoàn thiện bản mix, rồi đem gửi cho một số biên tập viên đài truyền hình, đài phát thanh. Và chỉ một thời gian ngắn sau, chúng tôi vào phim trường và thực hiện phẩn ghi hình trên HTV và VTV bài hát Nơi ấy là Trường Sa.

Bài ca của người lính biển

Thế rồi, bài hát dần dần xuất hiện trong các chương trình biển đảo. Các radio bắt đầu nhắc đến bài hát Nơi ấy là Trường Sa qua giọng ca Đức Tuấn. Còn trên Youtube, bài hát cũng xuất hiện trong các hội diễn. Nếu như Nơi đảo xa được dùng như nhạc hiệu phóng sự Trường Sa của VTV (vào giữa những năm 2010), thì Nơi ấy là Trường Sa lại xuất hiện như nhạc hiệu một số ký sự biển đảo của HTV. Thậm chí, nhiều chương trình, bài báo cũng lấy tựa bài hát làm tiêu đề cho bài viết.

Tuy nhiên, điều tôi muốn không phải là bài hát được phát bao nhiêu lượt trên đài, hay bao nhiêu ca sĩ nổi tiếng sẽ biểu diễn. Mà là khi nào Nơi ấy là Trường Sa sẽ trở thành bài ca của người lính biển.

Năm 2011, tôi được tham gia một chuyến đi mang tên “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”. Con tàu HQ-996 của lực lượng hải quân đưa chúng tôi xuất phát từ cảng Hải Phòng về mũi Cà Mau trong 20 ngày. Tối hôm đầu tiên ra khơi, chúng tôi lên boong để làm quen, và đàn hát bằng những bản tình ca người lính. Sau khi mọi người hát xong bài Nơi đảo xa, một thuỷ thủ tàu HQ-996 nói với tôi: “anh đàn giúp em một bài về Trường Sa đi”. Tôi hỏi: “tựa bài là gì để lấy tone”. Cậu ấy bảo “em không nhớ, lính chúng em chỉ biết hát thôi” – Tôi hỏi tiếp: “Vậy bài hát của ai [tác giả] em biết không?” – Cậu lính lắc đầu: “không, chúng em chỉ biết hát chứ đâu có biết tác giả” – “OK!” tôi nói “Vậy em hát trước đi, anh đệm theo”. Và cậu lính bắt đầu hát: “Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió…”.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Liên hệ