Lời bài hát
Sáng tác: Xuân Nghĩa
Em hãy đón từng giấc mơ, giấc mơ bình yên như mọi người
Đôi khi bầu trời có nắng mưa. Cuộc đời ngàn bàn tay đón đưa
Giờ đây em hãy bước ra ngoài, ngắm lại mình dưới ánh nắng
Lắng nghe nụ cười vẫn đến thăm, để thấy em không một mình.
Em hãy sống bằng trái tim, trái tim ngày xưa luôn mỉm cười
Luôn tin rằng rồi nắng sẽ lên, rằng cuộc đời ai cũng có tên
Nhìn xem ngoài kia cuối chân đồi, những hạt mầm thiếu ánh nắng
Vẫn vươn mình dậy theo tháng năm, để hướng ra nơi mặt trời.
Chorus:
(huh huh huh huh huh huh
hah hah hah hah hah hah)
Và còn tình yêu lung linh đang tỏa sáng nơi cuối con đường
Chờ đợi em mai đây khi nào vết thương xưa hóa thành tia nắng
Chiếu rọi vào thung lũng sâu
Lúc ấy con sông thức dậy mùa đông
Lúc ấy cánh đồng hoang sẽ vươn mầm
Là lúc con tim em khóc nỗi vui đầu tiên.
Lau nước mắt và đứng lên, bước đi và ung dung mỉm cười
Lo âu nào rồi cũng sẽ qua, nhọc nhằn rồi đây cũng cách xa
Ngày mai bừng lên cuối chân trời, những ngọn chồi dưới ánh nắng
Lắng nghe nụ cười em đến thăm, Để thấy không ai một mình.
Nghe nhạc
Click here
Hoàn cảnh sáng tác
Xem tiếp…
Từ một người mẹ có con cai nghiện
Trở lại câu chuyện bài hát Đến với con người Việt nam tôi chính thức được biết đến (sau những năm 2001) tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM thông qua sự biểu diễn của CLB GIai điệu xanh. Bài hát về quốc thể lúc ấy lan truyền nhanh tới mức tên ca khúc được biết đến trước cả tên tôi.
Điển hình là cô Lan (dân NVH Thanh Niên lúc bấy giờ gọi là má Lan – chủ một cửa hàng bách hoá trang phục thanh niên bên trong NVH Thanh Niên), cũng copy bản audio bài hát ấy, đưa vào các đĩa nhạc sao chép để bán, khi chưa biết mặt tôi.
Một hôm, tôi ghé quầy bách hoá của cô Lan, chỉ vào chiếc đĩa cô đang bán, với giọng ra ý khoe: bài hát này là cháu sáng tác đó cô! Cô Lan ngớ người: “thiệt không mày, đưa chứng minh nhân dân tao coi”. Tôi cười và lấy CMND đưa cô xem, mặc dù thừa biết thông tin đó chẳng chứng minh gì, có chăng thì chỉ chứng minh tôi đúng là thằng Xuân Nghĩa, thế thôi. Nhưng cô Lan cầm CMND, nhìn tới nhìn lui mặt tôi, rồi nói: không ngờ thằng trẻ như mày mà viết (bài hát) được vậy.
Từ đó, cô Lan khá ưu ái tôi. Hễ tôi cần chiếc cà vạt, hay chiếc áo đoàn, hoặc bất kỳ thứ gì cửa hàng cô có, tôi đều được… tặng miễn phí, kèm thêm ly cà phê đá nếu có thời gian trò chuyện với cô!
Một lần, cô tâm sự về cuộc đời thăng trầm của mình, rằng cô có đứa con đang làm lại cuộc đời tại trường Giáo dục và Dạy nghề Số 5 của lực lượng Thanh niên Xung phong. Hiểu một cách đơn giản, đây là trường cai nghiện do lực lượng Thanh niên Xung phong quản lý. Các thanh niên cai nghiện được đưa lên đây học tập trong 4 năm (sau này chỉ còn 2 năm), và trở về với gia đình.
Cô Lan là một người mẹ tài giỏi, nhanh nhẹn, biết kiếm tiền, biết trước biết sau. Nhưng một đứa con của cô đã sa vào con đường ma tuý, và cô phải gửi con về với ngôi trường này để làm lại cuộc đời.
Biết tôi thích đi đây đó sáng tác, cô bảo tôi: “để tao nói với Trường 5, cô cháu mình lên đó chơi một bữa”. Giai đoạn ấy, tôi được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên giao cho vị trí chủ nhiệm CLB Sáng Tác Trẻ (tiền thân là CLB Sáng Tác Trẻ Thành Đoàn TP.HCM – ra đời sau năm 1975), nên tôi đồng ý ngay, bởi tôi cũng muốn tổ chức cho CLB của mình đi thực tế sáng tác ở những vùng xa vùng sâu.
Đến ngôi trường của Thanh niên xung phong
Và thời điểm đó là khoảng năm 2006, cô Lan kết nối với anh Huỳnh An Trung – Giám đốc trường Số 5 ở huyện Đak Rlấp (nay đổi thành trường số 1, huyện Tuy Đức) tỉnh Đak Nông. Vài tuần sau, CLB Sáng Tác Trẻ NVH Thanh Niên chúng tôi chính thức được lời mời đến giao lưu tại trường trong 2 ngày.
Tôi không cần mô tả quá chi tiết về khung cảnh, hay cuộc sống của các học viên cai nghiện ở đây. Mà chỉ cần nói với các bạn rằng, chúng tôi được nghỉ trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ của thanh niên xung phong.
Ngôi nhà đó nằm thơ mộng bên hồ Dzoãn Văn, nơi mà nhạc sĩ Thế Hiển đã sáng tác ca khúc Hát trên nông trường xanh . Anh Hiển cũng tham gia đoàn, và chỉ cho tôi con dốc mà anh viết trong đoạn điệp khúc: “Đường mòn dốc cao bao dấu chân người đi qua“. Đấy là con dốc ngay phía trước ngôi nhà sàn này.
Thôi tạm gác bài hát của nhạc sĩ Thế Hiển vào một chuyên đề khác nhé. Tôi trở lại đề tài hôm nay. Đúng là để đưa CLB của mình đi sáng tác, tôi cần phải thực hiện phần ý tưởng âm nhạc, thông qua những điều mà cô Lan đã kể cho tôi về cuộc sống ở những trường cai nghiện.
Và bài hát “Để thấy em không một mình” là ý tưởng mà tôi thực hiện cho chuyến đi này. Phần âm nhạc tôi đã thực hiện gần như hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phần ca từ vẫn là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh, và có phần vụn vặt.
Cho đến khi ở ngôi nhà sàn bên hồ Dzoan Văn ấy, tôi thấy có một cồn đất giữa hồ rất đẹp. Ở đó có nhiều cây cỏ dại mọc chen chúc và cùng hướng về phía hấp thụ ánh nắng. Hình ảnh này khiến tôi nghĩ tới những cánh hoa luôn hướng về phía mặt trời, về mục đích lớn hơn của cuộc đời mỗi người. Và sau khi trở về, tôi hoàn thành bài hát không lâu sau đó.
Vài tháng sau, tôi trở lại trường số 5, và hát ca khúc mới này cho các học viên trường trong một buổi giao lưu. Sau khi xuống sân khấu, anh Trung (Giám đốc trường) có trò chuyện với tôi, anh nói rằng có những học viên đã khóc khi nghe bài hát này.
Và sau đó, trường đã trao tặng tôi kỷ niệm chương trong ngày kỷ niệm thành lập trường. Và từ đó đến nay, cứ đến ngày thành lập lực lượng Thanh niên Xung phong (28/3), tôi vẫn được mời đến dự chương trình họp mặt với các anh em lực lượng. Nhiều đồng chí đã chuyển công tác, hoặc ở những vị trí cao hơn. Nhưng họ vẫn nhắc tôi, và trình diễn ca khúc “Để thấy em không một mình” như một bài hát truyền thống của trường 1.
Leave a Reply