Đây là câu hỏi mà nhiều hội thi văn nghệ đều thắc mắc trước khi bước vào các vòng tranh tài. Với tư cách một nhạc sĩ chấm giải 20 năm nay, tôi sẽ giải thích phương pháp chấm điểm khá thú vị của các vị giám khảo. Nếu bạn áp dụng đúng sẽ “không trượt phát nào”!
Phần lớn khi các tổ chức đề ra hội thi văn nghệ, họ thường đưa ra cách chấm điểm của ngành sư phạm trước kia. Đó là thang điểm 10 (hoặc 100). Trong đó chia ra các cột: điểm kỹ thuật; trang phục; phong cách. Tuy nhiên, họ không đưa ra được tiêu chí cụ thể nào. Ví dụ, với điểm kỹ thuật thì phải đạt nội dung gì, và lỗi gì sẽ bị trừ bao nhiêu? Hay trang phục thế nào là phù hợp?
Nói đâu xa, ví dụ một đơn vị tham gia tiết mục “chiếc áo bà ba”, thì trang phục áo bà ba không phân biệt áo truyền thống hay áo cách điệu. Thế nhưng, đơn vị khác thi tiết mục về Đoàn thanh niên, thì không thể nào cách điệu chiếc áo Thanh n niên Việt Nam được. Vậy giám khảo sẽ căn cứ vào đâu mà chấm điểm?
Vì vậy, đã từ lâu, các nhạc sĩ đã có phương pháp chấm điểm hội thi văn nghệ riêng, đưa ra kết quả 100% chính xác. Nếu tôi không lầm, phương pháp chấm điểm này có từ cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM, nơi được xem là ngưỡng cửa bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp cho các ca sĩ như: Đức Tuấn; Thu Minh; Đàm Vĩnh Hưng; Quốc Đại, Hồ Bích Ngọc, Bonner Trinh…
I. Phương pháp chấm điểm hội thi văn nghệ như sau:
Thông thường, các hội thi văn nghệ sẽ phân chia ra các thể loại: đơn ca; song – tam ca – tứ ca; tốp ca – hợp xướng; múa. Các nhạc sĩ sẽ chấm:
- Thang điểm: 20
- Điểm sàn: 17,1
- Sai số: 0,1
Trong đó, phân chia 3 mức, và điểm đánh giá căn cứ như sau:
Mức | A (Điểm loại) | B (Điểm cân nhắc) | C (Điểm chọn) |
---|---|---|---|
Điểm | Từ 17,1 đến 18,0 | Từ 18,1 đến 19,0 | Từ 19,1 đến 20 |
Hát đơn ca | – Lỗi sai cao độ – Lỗi sai trường độ – Lỗi sai phát âm (nhiều) – không thuộc bài – Không hoàn thành hết bài | – Không mắc lỗi trong mục A – Không có sắc thái – Sai phát âm (ít) – Sai chữ (ít) – Giám khảo không đưa ra được lựa chọn | – Không mắc lỗi mục A, B – Có đầu tư như múa phụ họa; hát bè. – Tạo ấn tượng tốt |
Hát song ca – tam ca – tứ ca | – Lỗi sai cao độ – Lỗi sai trường độ – Lỗi sai – Không thuộc bài – Không hoàn thành hết bài | – Không mắc lỗi trong mục A – Không có sắc thái – Sai phát âm (ít) – Không hát bè – Giám khảo không đưa ra được lựa chọn | – Không mắc lỗi mục A, B – Có đầu tư như múa phụ họa – Không hát bè nhưng thể hiện tốt – Tạo ấn tượng tốt |
Hát tốp ca | – Lỗi sai cao độ – Lỗi sai trường độ – Lỗi sai – Không thuộc bài – Không hoàn thành hết bài | – Không mắc lỗi trong mục A – Không có sắc thái – Sai phát âm (ít) – Không hát bè – Giám khảo không đưa ra được lựa chọn | – Không mắc lỗi mục A, B – Có đầu tư như múa phụ họa – Không hát bè nhưng thể hiện tốt – Tạo ấn tượng tốt |
Múa | – Không có nội dung – Động tác không đều – Không hoàn thành hết bài | – Không mắc lỗi mục A – Động tác múa đơn điệu – Trang phục không phù hợp hoặc đơn điệu | – Không mắc lỗi mục A, B – Có đông thí sinh tham gia – Tạo ấn tượng tốt |
Để thực hiện, hội đồng giám khảo phải ít nhất 3 người và luôn là số lẻ (để dễ biểu quyết). Mỗi giám khảo chấm độc lập và mang tính chủ quan. Đặc biệt, với bảng phân loại trên, nếu cá nhân 1 giám khảo không biết nên “chọn” hay “loại”, vị giám khảo có thể đưa vào mức điểm cân nhắc. Để cho hai giám khảo còn lại quyết định số phận tiết mục. Nếu hai giám khảo còn lại đều chủ quan đánh giá “điểm chọn”, thì khả năng thí sinh đó lọt vào thang điểm C rất cao. Còn nếu ngược lại, tiết mục đó sẽ bị loại. Như vậy ta thấy 3 giám khảo, mỗi vị đều chấm chủ quan (có quyền thích, ưu ái, hay ghét bỏ). Nhưng khi cộng lại, kết quả sẽ là công thức sau:
chủ quan 1 + chủ quan 2 + chủ quan 3 = khách quan
II. Cách trình bày bảng điểm sao cho đúng
Như tôi đã trình bày ở phần mở đầu, nhiều Ban tổ chức “vẽ” ra những bảng điểm với đủ các tiêu chí như kỹ thuật; trang phục; phong cách… trong khi đó, những tiêu chí này không thể chấm được. Ngoài ra, nhiều trường hợp sau khi Ban giám khảo chúng tôi chấm xong, không ít ban thư ký đã lúng túng khi dò điểm để nhập liệu. Tất cả đều do cách trình bày bảng điểm không chuyên nghiệp, vừa dư vừa thiếu. Vì vậy, tôi xin đưa ra mẫu bảng điểm để các bạn có thể dựa vào đây mà thiết kế bảng điểm cho đơn vị mình.
Tên tổ chức
Chủ đề hội thi văn nghệ
Ngày tháng, địa điểm tổ chức
Bảng điểm
Tên giám khảo
STT | Tiết mục | Sáng tác | Đơn vị | Thể loại | Điểm đơn ca | Điểm song ca tam ca tứ ca | Điểm tốp ca | Điểm múa |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
01 | Thành phố tình yêu và nỗi nhớ | Phạm Minh Tuấn / thơ: Nguyễn Nhật Ánh | L41 | Đơn ca | 19,3 | |||
02 | Khát vọng | Phạm Minh Tuấn | L04 | Đơn ca + múa minh họa | 18,3 | 18,6 | ||
03 | Bác đang cùng chúng cháu hành quân | Huy Thục | L12 | Tốp ca múa | 19,4 | 18,5 | ||
04 | Đời mình là một khúc quân hành | Diệp Minh Tuyền | L24 | Tốp ca | 18,8 | |||
05 | Con kênh xanh xanh | Ngô Huỳnh | L14 | Song ca + múa | 18,9 | 18,6 | ||
06 | Quê hương ba miền | Thanh Sơn | L15 | Tam ca | 19,2 | |||
07 | Múa hoa sen dâng Bác | L14 | Múa | 19,3 | ||||
08 | … | … | … | … |
Ký tên
Trên đây là những cột cần có trong một bảng điểm. Trường hợp muốn rút gọn hơn, bạn cũng có thể gộp các cột điểm thành 1 cột chung gọi là “điểm”. Hay nếu bạn muốn chấm điểm múa minh họa (của những tiết mục ca) như một tiết mục múa bình thường, thì tạo riêng cột điểm múa bên cạnh điểm hát.
Với cách trình bày này, ban giám khảo dễ dàng đối chiếu điểm từng thể loại. Cũng như việc tổng hợp kết quả cũng thuận tiện hơn đối với ban thư ký.
III. Giải đáp mở rộng
- Trường hợp nào thì được thu âm hát bè trước?
- Trả lời: Nguyên tắc đi thi hát, thì phải hát thật. Nhưng do thể loại mà bạn đăng ký. Như thể loại hát đơn ca, thì tiêu chí chấm điểm dựa trên chất giọng cá nhân. Và những phần hát bè được xem là phụ họa. Và vì thế, bạn có thể thu âm hát bè trước cho thể loại đơn ca. Tuy nhiên, việc thu âm trước phần bè, chỉ giúp cho tiết mục thể hiện của bạn có phần hấp dân hơn. Nhưng không ảnh hưởng đến điểm như múa minh họa. (Nếu bạn cần thông tin về phòng thu âm, hãy tham khảo phòng thu của nhạc sĩ Xuân Nghĩa tại đây)
- Trường hợp hát bè trực tiếp trên sân khấu, sẽ là điểm cộng nếu như tiết mục của bạn bị trùng điểm. Đồng thời, có thể sử dụng diễn viên chuyên nghiệp để hát bè phụ họa cho tiết mục đơn ca. Còn đối với thể loại song ca; tam ca; tốp ca, thì hát bè là một nội dung để chấm điểm. Vì thế bạn không được thu âm trước, cũng như không được đưa diễn viên chuyên nghiệp vào đội hình.
- Nếu đăng ký thể loại: đơn ca múa, sẽ được tính điểm thế nào?
- Trả lời: Bạn phải căn cứ vào cơ cấu giải thưởng mà ban tổ chức đề ra. Nếu không có giải thưởng cho thể loại “đơn ca múa minh họa “, mà chỉ có “đơn ca”, thì ban giám khảo chúng tôi sẽ chấm tiết mục này theo hình thức mà Ban tổ chức đã quy định. Và phần múa minh họa được xem là điểm cộng trong trường hợp phải đánh giá hai tiết mục bằng điểm.
- Nếu Ban tổ chức muốn có giải thưởng cho phần múa minh họa?
- Trả lời: Ban tổ chức nên chia tiết mục dự thi thành 2 cột điểm, cột thứ nhất là điểm đơn ca; cột thứ hai là điểm múa minh họa. Như vậy cùng một tiết mục, Ban giám khảo có thể chấm tách bạch 2 nội dung. Điểm múa minh họa sẽ được đối chiếu với thể loại múa. Tuy nhiên, để làm được điều này, Ban tổ chức phải quy định định rõ cho các đơn vị dự thi để họ chuẩn bị. Đặc biệt là tránh việc đưa những diễn viên chuyên nghiệp vào đội hình. Bới điểm thể loại múa đòi hỏi phải là “cây nhà lá vườn”.
- Có nên giữ cột điểm trang phục và phong cách cho thí sinh quần chúng?
- Trả lời: Vì thi văn nghệ là một “bộ môn” đặc thù, nó không thể phân chia rạch ròi như toán – văn. Mỗi tiết mục dự thi đều được Ban giám khảo đánh giá theo thứ tự: 1 – kỹ thuật hát; 2 – phong cách; 3 – sự đầu tư (trang phục; minh họa; phụ họa). Tức là thí sinh phải đạt được số 1, lọt vào thang điểm chọn, lúc đó mới tính tới số 2, và 3. Còn đối với các thí sinh, họ đều so kè nhau về mặt kỹ thuật, ai hát hay hơn ai, chứ không phải ai mặc đẹp hơn ai, hay ai “quậy” hơn ai. Vì thế không thể có chuyện mặc đẹp hát phô lại điểm cao hơn hát hay mà trang phục đơn điệu. Trang phục và phong cách đều được ban giám khảo xếp vào điểm lợi thế khi so sánh với những thí sinh đồng hạng khác. Và câu trả lời là: Không.
- Tại sao lại là thang điểm 20 mà không phải là 10, rồi lấy điểm sàn là 7,1?
- Trả lời: Thực ra, một cuộc thi thường có 3 vòng: Sơ kết; Bán kết; Chung kết. Và người ta chia ra: Vòng sơ kết sẽ có điểm từ 10,1 đến 14,0; Vòng Bán kết có điểm từ 14,1 đến 17,0; Và vòng chung kết có điểm từ 17,1 đến 20 như tôi đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, lượng thí sinh không nhiều như tiếng hát truyền hình đại chúng. Nên người ta chỉ tổ chức 1 vòng thi chung cuộc mà thôi.
- Về lý do vì sao không chọn thang điểm 10. Vì như vậy, ta cũng phải chia vòng sơ kết từ 1 đến 4 điểm, bán kết từ 4,1 đến 7 điểm. Và chung kết từ 7,1 đến 10 điểm. Như vậy, chẳng hóa ra thí sinh hát hay mà chỉ 4 điểm ở vòng sơ kết? Coi sao được. Cho nên, các nhạc sĩ trước đây đã thống nhất một quy tắc chấm bất thành văn bản là thang điểm 20 như tôi nêu trên.
- Có nhất thiết phải chia trung bình điểm của cả ba giám khảo không?
- Trả lời: Nên có. Lý do chính là sau khi lấy điểm tổng và chia trung bình, chúng ta có điểm số được phép làm tròn. Ví dụ điểm kết quả sau khi chia trung bình là 19,68 sẽ làm tròn bằng 19,7. Và nếu bị trùng kết quả này, giám khảo có thể bàn thảo thêm một lần nữa, để quyết định xem thí sinh nào xứng đáng hơn. Còn nếu đế nguyên số tổng không chia, bạn sẽ có hai con số hàng trên 50 rạch ròi, và dễ khiến thí sinh xứng đáng bị vuột mất cơ hội. Như đã nói trên, thi văn nghệ là bộ môn năng khiếu, mang tính tương đối. Vì vậy điểm số sau khi chấm xong cũng phải cân nhắc đưa đến thống nhất một lần nữa, mới có thể thuyết phục những khán giả khó tính.