Mãi là người thanh niên Việt Nam

,

Published on

Bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam

Tóm tắt:

Mãi là người thanh niên Việt Nam là bài hát về đoàn thanh niên tôi viết năm 2005, khi tham gia Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam – TP.HCM (với tư cách đại diện văn nghệ sĩ trẻ thành phố). Đến nay, bài hát về đoàn thanh niên này đã trở thành ca khúc…


Bài liên quan

Lời bài hát (lyric)

Sáng tác: Xuân Nghĩa
Có những người thanh niên giữ lời thề sâu trong trái tim,
Nguyện cùng nhau chung cánh tay cùng đi về phía mặt trời,
Muốn làm ngọn hải đăng trong gió mưa, cho con tàu lạc lối nương nhờ
Muốn nghiêng vai cùng chung một tấm lòng, đưa nụ cười về thay nỗi lo âu
Muốn cuộc đời đẹp mãi những ước mơ màu xanh
Chorus: 
Mãi là người thanh niên, thanh niên Việt Nam luôn tiến bước,
Tổ quốc trao cho ta những con đường mới đầy những hy vọng.
Mãi là người thanh niên, thanh niên Việt Nam luôn tiếp bước,
Những tấm gương hôm qua vẫn luôn vẹn nguyên trong từng con tim.
Mãi là người thanh niên với niềm tin vào một tương lai,
Dù hôm nay có bao nhọc nhằn vẫn đi bằng những nụ cười.
Mãi là người thanh niên cùng sánh vai bè bạn năm châu.
Là ngôi sao ước vọng trên cao tỏa sáng bầu trời quê hương.

Nghe nhạc

Click here

    Hoàn cảnh sáng tác bài hát

    Tôi nhớ khoảng hơn chục năm trước, khi tìm từ khóa bài hát “Mãi là người thanh niên Việt Nam” trên youtube, tôi chỉ thấy 1 video tự quay trong chiến dịch Mùa hè xanh. Rồi năm sau, năm sau nữa, mỗi lần tôi vào youtube, thì lượng clip tự quay bài hát này càng nhiều hơn.

    Đến nay, tôi không kịp theo dõi số lượng clip trên youtube nữa. Bài hát đã trở thành ca khúc không thể thiếu trong phong trào thanh niên cả nước. Một tay chơi Sài Gòn có nói với tôi: mặc dù em chẳng quan tâm chính trị. Nhưng nghe bài hát này, em cứ thấy tự hào thế nào ấy.

    Xem tiếp:…

    Ngọn hải đăng trong gió mưa

    Cuối năm 2004, tôi được đề cử vào ban chấp hành Ủy ban Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM. Phó chủ tịch Hội lúc ấy là anh Bùi Tá Hoàng Vũ, đã đề nghị tôi sáng tác một bài hát cho Hội để kỷ niệm 50 năm truyền thống Hội LHTNVN (vào năm 2006).

    Suốt thời gian đầu nhiệm kỳ, tôi không nghĩ được hình tượng hóa người thanh niên Việt Nam trong bài hát là gì.

    Năm 2005, trong chuyến đi tập huấn với Hội tại huyện Cần Giờ, chúng tôi đã trải qua 2 ngày vừa họp, vừa tổ chức hoạt động hội trại tại Trung tâm dã ngoại Thanh thiếu nhi TP.HCM. Tất nhiên, đây là những cao thủ về kỹ năng hội trại. Tôi ngưỡng mộ các tác phong và cách tham gia đầy chuyên nghiệp của những màu áo xanh.

    Rồi tôi cũng được mời lên hát giao lưu bài Đến với con người Việt Nam tôi. Các Fan áo xanh đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, chụp ảnh, tặng hoa, mời tham gia với các tiểu trại…

    Tối hôm ấy, ngoài các đoàn viên còn có các chiến sĩ biên phòng huyện Cần Giờ. Chúng tôi đã hàn huyên, nghe họ kể chuyện vận động ngư dân mùa gió bão. Chuyện cứu người trên biển, chuyện vận động xây nhà cho hộ nghèo… Bổng tôi nảy ra suy nghĩ, hình tượng người thanh niên Việt Nam có giống ngọn hải đăng không?

    Trong cuộc sống, người ta chẳng bao giờ nhắc đến ngọn hải đăng. Chỉ khi gặp gió bão, mất phương hướng, những con tàu sẽ tìm ngọn đèn sáng đó để trú ẩn. Rồi hôm sau, lại ra khơi. Từ đó, tôi quyết định chọn hình tượng người thanh niên Việt Nam là ngọn hải đăng trong gió mưa.

    Bản Ballad của thanh niên

    Kế đến là phần tiết tấu như thế nào đây. Ban đầu tôi cũng thử sáng tác kiểu như Đến với con người Việt Nam tôi với nhiều giai điệu khác nhau. Tuy nhiên, khi đưa hình ảnh ngọn hải đăng vào đó, đều cho cảm giác “ngoa ngữ” và “khẩu hiệu”. Tôi quyết định thử theo phong cách ballad, nhịp 6/8.

    Vào thời điểm đó, các sáng tác mang tính cổ động thường có tiết tấu vui nhộn. Không phải không có nhạc sĩ nào sáng tác những bản du dương. Mà do các biên tập viên chỉ chọn bài vui, nhịp đi để tuyên truyền cho dễ.

    Họ quan niệm rằng nhạc thanh niên là phải vui, cổ động là phải sung, hô hào phải khí thế. Và dường như nó thành một khuôn mẫu đến mức các cơ quan đoàn thể khi tổ chức cuộc vận động sáng tác, cũng ấn định luôn chủ đề là: “Hành khúc… gì gì đó” chứ chẳng bao giờ có kiểu “Bản tình ca của….”.

    Từ đó, các ca khúc cổ động na ná nhau, hô hào một cách khẩu hiệu khô cứng. Thậm chí, người ta từng ví von đó là những bài hát phổ nghị quyết. Vì vậy, việc chọn tiết tấu nhẹ nhàng cho một bài hát cổ động đối với tôi lúc đó khá đắn đo. Tuy nhiên tôi vẫn thử.

    Với hợp âm khởi đầu là D (Rê trưởng), cùng những tiếng rải dây theo tiết điệu Slow Rock 6/8, một vài giai điệu bắt đầu xuất hiện:

    “Có những người thanh niên giữ lời thề sâu trong trái tim
    Nguyện cùng nghau chung cánh ta, cùng đi về phía mặt trời

    Câu đầu của bài hát, xuất phát từ hình ảnh lúc hô câu khẩu hiệu: “Vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và văn minh” – Thanh niên!” Tất cả hội trường đứng nghiêm, tay phải đật lên tim và vung lên, hô vang: “TIẾN!”.

    Hình ảnh này là nghi thức của Hội trong lúc giây phút chào cờ của Đại hội. Khẩu hiệu này nói lên quyết tâm cùng đi theo lý tưởng: đi về phía mặt trời. Và cống hiến âm thầm: làm ngọn hải đăng trong gió mưa, cho con tàu lạc lối nương nhờ.

    Tiếp theo là:

    “Muốn làm ngọn hải đăng trong gió mưa,
    cho con tàu lạc lối nương nhờ…”

    Tôi đã đưa được hình tượng người thanh niên như ngọn hải đăng vào trong bài hát một cách ngọt ngào, và dễ dàng.

    Sau đó tôi sáng tác tiếp đến hết bài, và đặt tựa đề bằng chính câu đầu  của điệp khúc: Mãi là người thanh niên Việt Nam.

    Tuy nhiên bản thảo ban đầu không có thủ thuật chuyển điệu (đoạn A và B đều cùng 1 tone). Đồng thời giai điệu hơi khác bây giờ. Đoạn điệp khúc cao hơn, hơi thiên về bán cổ điển hơn, và khá kén giọng hát. Sau nhiều tuần suy nghĩ, tôi tự hỏi, sao không phát triển thành một bài hát song ca?

    Thời điểm đó, các ca khúc dành cho bộ đôi khá ít. Điển hình là hội thi, các cặp nam nữ tìm những bản nhạc song đôi khá khó khăn. Và tôi đã thử sử dụng thủ pháp chuyển điệu, đồng thời xử lý giai điệu đoạn chuyển khéo léo để người nghe khó nhận ra.

    Đó là lý do đoạn điệp khúc được chuyển từ quảng 1 sang quảng 4 (từ cung Rê trưởng sang Sol trưởng). Thủ pháp đã thu hẹp khoảng cách giọng nam và giọng nữ. Nó tạo ra sự khác biệt cho bản Ballad của thanh niên này.

    Thái Thùy Linh và bản ghi âm không tưởng  

    Sau khi sáng tác xong, tôi cần một ca sĩ nữ hát cùng hát cho bản audio đầu tiên. Lúc này, ca sĩ Thái Thùy Linh vừa nổi lên sau cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn (2004). Và qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Thế Hiển, Linh đã tham gia các hoạt động xã hội của báo Sài Gòn Giải Phóng cùng tôi. Từ đó chúng tôi khá thân nhau.

    Linh cũng từng đề nghị được ghi âm bài Đến với con người Việt Nam tôi với dàn đồng ca thiếu nhi để biểu diễn. Nói thực với các bạn, vào thời điểm đó, hiếm ca sĩ nào quan tâm đến việc chọn bài nhạc Đỏ để làm “tủ” cho mình.

    Thậm chí nhiều người cho rằng, đã gắn tên mình vào nhạc “cúng” thì khó thành “sao”. Vì thế, tôi mến tính cách cô ca sĩ Hà Nội này. Và tôi tâm sự muốn thực hiện một bản ghi âm song ca với Linh trong bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam.

    Linh đồng ý, nói làm liền, và giục tôi đưa phối khí ngay. Tôi liền gọi cho nhạc sĩ Nguyễn Hưng Thịnh nhờ anh thực hiện bản phối âm song ca này. Thịnh là một người bạn chơi nhạc đồng trang lứa với tôi trước kia, và là chủ phòng thu NT Studio nên ít nhiều cũng hiểu được chất nhạc mà tôi sáng tác.

    Sau hơn 2 tuần, bản phối âm bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam đã tạm xong (còn vài track nhạc cụ phải thu thêm sau đó), tôi và Thái Thùy Linh vào phòng thu.

    Thảm họa ụp xuống khi nghe lại giọng ca của tôi và Linh trong một bản mix. Quá khủng khiếp! Có lẽ hai chất giọng này sinh ra không dành cho nhau. Giọng của Linh thì dầy, mộc mạc, đầy chuyên nghiệp. Còn giọng của tôi giống như giai dậy thì.

    Sau một hồi “cố gắng nhưng rất tiếc”, Linh nói sẽ mời ca sĩ Phạm Anh Khoa tham gia thử. Phạm Anh Khoa cũng được xem là tay Rocker trong cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2006. Mấy ngày sau, Khoa vui vẻ vào phòng thu. Giọng của Khoa hay hơn tôi cái chắc. Nhưng vẫn không quyện được vào bản mix với giọng của Linh.

    Lúc này, tôi hiểu rằng, Linh có một chất giọng đặc biệt, khó tìm một giọng nào phù hợp lúc ấy để song ca. Vậy sao không để Linh thực hiện bản audio một mình? Nghĩ là làm, chúng tôi đề nghị Thịnh thực hiện thêm một phiên bản tone nữ (G – Sol trưởng) bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam cho Linh, rồi tuần sau sẽ quay lại thu âm.

    Ái chà, nếu tôi không kể điều này, chắc những người yêu mến Thái Thùy Linh với bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam sẽ không thể tin rằng, chất giọng ngọt lịm mà Linh đem lại trong bản ghi âm ấy, lại được thu với giọng giận dỗi.

    Số là sau khi chúng tôi trở lại phòng thu NT.Studio, Linh muốn thể hiện kiểu hát theo cách riêng của mình. Chúng tôi cũng thử qua vài lần, nhưng cảm thấy không ổn. Vì thế tôi phải “nắn” lại theo nguyên tác.

    Có lẽ vì áp lực thực hiện theo yêu cầu người khác, nên những chỗ luyến láy tinh tế đều bị gượng gạo. Còn tôi cứ yêu cầu thu đi thu lại, riết cô ca sĩ cá tính này cũng nổi cáu, rồi đùng đùng ra khỏi cabin, ngồi phệt xuống thảm.

    Tôi và Thịnh nhìn nhau im lặng. Thịnh trấn an: “hôm nay Linh không khỏe, để bữa sau thu đi”. Chúng tôi định tắt máy, chợt Linh đứng bật dậy rồi bảo: “Rồi làm lại, theo ý anh!”

    Những tần số ghi âm bắt đầu nhảy trên màn hình. Ggiọng Linh cất lên trong tâm trạng chẳng hào hứng gì, chẳng buồn nắn nót. Đơn giản là hát thế thôi! Nhưng chẳng hiểu sao, cái kiểu hát đó lại mang đến một âm thanh khá ngọt ngào, đầy sảng khoái, tự tin.

    Tôi và Thịnh tròn xoe mắt và lắng nghe, thỉnh thoảng nháy nhau: “để yên, đừng ngắt!”. Tức là một vài lỗi nhỏ phát sinh trong lúc thu âm. Thường chúng tôi sẽ ngưng và đề nghị ca sĩ hát lại chỗ lỗi ấy. Nhưng lúc này, chúng tôi cho trôi qua, để không ngắt mạch cảm xúc của Linh.

    Sau khi xong, Linh bước ra, vẫn kiểu mặt tối sầm ban nãy: “sao mấy anh, được chưa?”. Tôi gật đầu: “Hay!”

    Như vậy, quyết định ghi âm đơn ca nữ cho bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Và Linh chỉ chỉnh sửa thêm một vài lỗi nhỏ, rồi chuyển sang phần Mix. Thịnh cũng không mất nhiều thời gian để mix bản ghi âm này. Nói đúng hơn, anh chỉ thêm hiệu ứng cho giọng ca là xong. Bởi bản ghi âm của Linh lần này được xem là hoàn hảo.

    Mất cơ hội này sẽ có cơ hội khác  

    Tôi đưa bản audio bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam với giọng của Thái Thùy Linh cho người cán bộ làm công tác thu thập bài cho đĩa CD nhạc chào mừng 50 truyền thống Hội. Tuy nhiên, sau khi nghe xong, người cán bộ này nói rằng bài hát thanh niên hơi buồn.

    Đấy, giống như tôi nói trên, phần lớn mọi người đều suy nghĩ nhạc thanh niên phải là sôi động. Vì thế, bản ballad cho thanh niên này không được đưa vào CD ấy. Việc này tôi có thể nói với Phó chủ tịch Hội – người đề nghị tôi sáng tác – để thông báo về việc mình đã hoàn thành bài hát, và đương nhiên ca khúc sẽ được đưa vào CD này.

    Nhưng tôi nghĩ, làm như vậy khác nào áp đặt. Tôi không trách bạn trẻ cán bộ đó, bởi bạn ấy cũng bị ảnh hưởng của quan niệm chung lúc đó. Muốn thay đổi phải có thời gian. Tôi tin rằng, đây bài hát này sẽ là bản ballad thay đổi suy nghĩ đó của những người sáng tác, và sẽ được sử dụng trong những lễ tôn vinh về sau.

    Và quả thực, một cơ hội khác đã đến khiến bài hát được lan tỏa. Cùng thời điểm đó, đài truyền hình VTV mời Thái Thùy Linh hát một bài liên quan đến đề tài thể thao phát sóng trực tiếp. Tuy nhiên, Linh không có ca khúc nào về thể thao cả. Vì thế Linh quyết định dùng bài  hát Mãi là người thanh niên Việt Nam.

    Đêm biểu diễn, Linh xuất hiện trong không khí tràn ngập những đoàn viên thanh niên, những người lính trẻ, những vận động viên thể thao. Giai điệu đong đưa nhẹ nhàng nhưng đầy hào khí từ chất giọng của Linh khiến cho cả phim trường lắc lư. Khi kết thúc, không khí như vỡ òa với đầy cảm xúc tự hào của những thanh niên.

    Từ đó, Linh thường xuyên xuất hiện với bài hát Mãi là người thanh niên Việt Nam trong các chương trình sự kiện tôn vinh. Và trên website cũ của tôi (trước đây là xuannghia.com) cũng xuất hiện những comment xin bản nhạc và nhạc nền để dàn dựng cho các đơn vị. Thậm chí, tôi nhớ số lượng comment đó còn nhiều hơn yêu cầu ở trang bài hát Đến với con người Việt Nam tôi.

    Thế rồi, tôi được gọi là nhạc sĩ của thanh niên trên báo chí. Còn vai trò ở Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam – TPHCM, tôi tiếp tục hết nhiệm kỳ 2004 – 2009. Sau đó được để cử tiếp nhiệm kỳ 2019 – 2014 (thành viên Ban thư ký). Và tiếp đến nhiệm kỳ 2014 – 2019, với một vị trí cao hơn: Ủy viên Ban thư ký.

    Trong không khí tưng bừng của ngày đại hội nhiệm kỳ này, tôi nhận được một túi quà dành cho đại biểu. Trong đó có một chiếc đĩa nhạc được thiết kế bắt mắt. Chủ đề nổi bật dòng chữ: “Mãi là người thanh niên Việt Nam”.

    Comments

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    Don`t copy text!
    Liên hệ