Lời bài hát
Sáng tác: Xuân Nghĩa
Này bạn thân nơi năm châu bốn phương
Việt Nam đất nước chúng tôi xin chào
Ngày nào còn chìm trong khói bom
Mà giờ đây cất cao lời ca vang.
Hà nội thủ đô con tim dấu yêu
Ngược xuôi phố xá đã vui thêm nhiều
Tàu vào Nam rộn vang tiếng ca
Ngàn bàn tay vẫy nhau chào tương lai.
Sài Gòn hôm nay bao nhiêu đổi thay
Hoà theo sức sống với bao công trình
Từ bàn tay cùng nhau đắp xây
Để giờ đây chúng tôi gọi mời.
Chorus:
Hãy đến với những con người Việt Nam tôi
Đến với quê hương đất nước thanh bình
Đến với tết đón giao thừa ngày ba mươi
Với những chiến công mùa xuân năm ấy.
Quê hương tôi đây đã sống hôm qua
Quê hương tôi đây vẫn sáng hôm nay
Quê hương tôi đây sẽ mãi mai sau
Vang danh non sông trái tim Việt Nam.
Một ngày cha ông vang danh núi sông
Một ngày đất nước đứng lên thanh bình
Ngày dựng xây cùng bao cánh tay
Ngày hôm nay bước lên cùng anh em.
Mảnh đạn năm xưa gieo trên đất nâu
Giờ đây đã hoá những thân lúa vàng
Gởi vào trong từng trang sách thơ
Chờ tương lai trái tim mỉm cười.
Chorus:…
Nghe nhạc
Click here
Hoàn cảnh sáng tác
Nhiều người cho rằng, bài hát Đến với con người Việt Nam tôi được biết đến qua SEA Games 23 tại Việt Nam. Nhưng sự thực không phải vậy, Ban tổ chức SEA Games có sử dụng ca khúc này, nhưng chỉ sau khi nó đã nổi tiếng. Vâng, bài hát ấy được biết đến thậm chí chưa từng xuất hiện trên băng đĩa, và cũng không phải từ bất kỳ cuộc vận động sáng tác nào.
(xem tiếp…)
Phần 1: 8 năm một đề tài
Câu chuyện về bài hát “đi cùng năm tháng” này bắt đầu từ năm 1992, khi tôi còn là một học sinh, và chơi bass trong ban nhạc The Student. Thời gian đó, ban nhạc chúng tôi chủ yếu đệm nhạc cho các hội diễn 20/11, hay ngày kỷ niệm của trường nào đó. Vì vậy, tôi được tiếp cận các bài “nhạc đỏ”. Mỗi khi tập các bài hát ấy, chúng tôi lại tấm tắc “công nhận mấy ảnh (các nhạc sĩ trong thời kháng chiến) viết hay thật, sau này sẽ không ai viết nổi như vậy”.
Điều đó cũng khiến tôi suy nghĩ, ước gì mình cũng viết được một bài hát để đời như vậy. Suy nghĩ đó cứ ấp ủ trong đầu tôi nhiều tháng. Và tôi quyết định thử. Tuy nhiên với hiểu biết hạn chế của một học sinh, tôi nghĩ nên chọn một đề tài hiếm hoi, là lời chào của Việt Nam đến bạn bè năm châu sau khi bỏ cấm vận. (Việt Nam bị cấm vận kinh tế sau chiến tranh cho đến năm 1994, tìm hiểu thêm tại đây).
Tôi đã viết rất nhiều đoạn nhạc cho đề tài này, đủ các thể loại từ Rock, Ballad, Disco… nhưng tất cả đều nghe xáo rỗng và nhạt nhẽo. Tôi nghĩ, không việc gì phải vội. hôm nay chưa tìm ra thì ngày mai sẽ có. Và cứ thế, lâu lâu tôi lại thử xem hôm nay có cảm xúc gì để viết không. Tất nhiên, chưa có…
Đến khoảng cuối năm 1994 (lúc này Mỹ đã chính thức gỡ bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam), tôi đang định viết một bài hát về tình yêu. Câu nhạc khởi đầu lúc bấy giờ là hãy nhớ thế giới bên nàng là riêng tôi, hãy nhớ bên em đã có tôi rồi. Sau đó thì tắc tị. Tôi nghĩ, hay thử “hãy đến bên tôi…; hãy đến bên em….” Và rồi:
"Hãy đến với những con người Việt Nam tôi,
Đến với quê hương đất nước thanh bình.
Đến với TIẾNG PHÁO giao thừa ngày 30,
Với những chiến công mùa xuân năm ấy"
(TIẾNG PHÁO sau này tôi sửa thành TẾT ĐÓN vào năm 1999, do chính phủ cấm đốt pháo từ năm 1994). Xem thêm thông tin tại đây
“Tuyệt vời! nó đây rồi! tôi muốn hét lên cho đã. “Đây chính là điệp khúc mà tôi đang tìm. Sau đó tôi phát triển phần cuối khá dễ dàng. Chỉ cần sử dụng cú pháp lặp lại và phát triển theo dòng thời gian để làm điểm nhấn:
“QUÊ HƯƠNG TÔI ĐÂY đã sống HÔM QUA,
QUÊ HƯƠNG TÔI ĐÂY vẫn sáng HÔM NAY
QUÊ HƯƠNG TÔI đây sẽ mãi MAI SAU
Vang danh non sông trái tim Việt Nam"
Đoạn B đã xong, vậy đoạn A sẽ thế nào? Với một đoạn điệp khúc đầy hưng phấn như thế, tôi cần một đoạn A xứng tầm. Nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Sau khi thử các âm giai trên các hòa âm tương ứng, tất cả những gì viết ra đều khiến tôi thất vọng. Nhiều tháng trôi qua, tôi cứ để đó, lâu lâu sáng tác thêm nhưng đều thất bại.
Khoảng 2 năm sau (1996), sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi Unplugged 96 (với bài hát Bye goodnight), tôi cảm thấy tự tin sáng tác tiếp. Trong lúc thử kết nối các luồng hợp âm của nhạc Euro disco, tôi buộc miệng hát:
"Này bạn thân nơi năm châu bốn phương,
Việt Nam đất nước chúng tôi xin chào. la la la…."
Ơ hay quá! thử ghép vào đoạn điệu khúc kia xem! – Tuyệt vời! Dường như hai đoạn nhạc này đã có sẵn từ lâu, giờ được tôi khai phá. Tiếp theo là ca từ tuôn ra không thể dừng lại. Tôi đã viết đến 5 lời cho đoạn A.
Tuy nhiên, có hai chỗ buộc phải dừng lại đến mấy năm sau mới hoàn thành (dù đã viết 95% bài hát). Chỗ bế tắc đầu tiền nằm ở đoạn 2. Với câu đầu Hà Nội thủ đô con tim dấu yêu… nhưng sau đó thì bế tắc. Lý do đơn giản là tôi chẳng biết gì về thủ đô cả. Tôi tuy sinh ra ở Hà Nội năm 1975, nhưng 2 tuổi đã theo bố mẹ vào Sài Gòn.
Và thế là bài hát Đến với con người Việt Nam tôi đành gác lại đó cho đến năm 1998, sau khi ra trường, tôi được bố cho đi chơi một chuyến về Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên tôi về thủ đô. Ấn tượng của tôi là một Hà Nội chậm rãi trong tiết trời se lạnh. Cuộc sống không hối hả như Sài Gòn. Người người đi làm một cách thong thả. Từ đó, tôi đã viết nốt: “ngược xuôi phố xá đã vui thêm nhiều…”, hoàn tất được phần còn lại của đoạn 2.
Chỗ khó khăn thứ hai là “TẾT ĐÓN giao thừa” trong điệp khúc mà các bạn hát hiện nay. Trước đó, tôi viết là “Đến với TIẾNG PHÁO giao thừa ngày 30”. Do thời kỳ đó, người ta nói rằng “Tết mà không có tiếng pháo thì không phải là Tết”. Tuy nhiên, từ năm 1994, thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng ký quyết định cấm sản xuất, buôn bán, và sử dụng pháo nổ. Nguyên do là cái văn hóa truyền thống của người Việt này đã tiêu đốt không biết bao nhiêu tiền của nhân dân vào những ngày tết. Và năm nào cũng hàng trăm gia đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” vì cháy nổ. Cho nên, dù chữ TIẾNG PHÁO rất đẹp, hợp với ý nghĩa của câu tiếp theo: “chiến công mùa xuân năm ấy” [cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975], nhưng tôi đành phải thay đổi.
Nhưng đổi thế nào đây, cái gì có thể tượng trưng cho Tết, mà liên kết được câu “Chiến công…”? Mãi đến cuối năm 1999, tôi nghĩ, dư âm tiếng pháo giao thừa ấy cũng chỉ còn trong kỷ niệm của thế hệ tôi và trước đó. Còn thế hệ sau này sẽ không hiểu gì nữa. Nên chẳng có lý do gì phải nhắc lại. Tôi quyết định thay bằng chữ TẾT ĐÓN để hoàn tất bài hát.
Về tựa đề, ban đầu tôi chọn là: “Hãy đến với những con người Việt Nam tôi”. Cách dùng câu đầu điệp khúc để đặt tựa thường thấy trong các ca khúc nước ngoài. Tuy nhiên, số từ quá dài. Tôi đành bớt 2 chữ ‘Hãy’ và ‘những’, cho nên tựa đề chính thức là: Đến với con người Việt Nam tôi.
Một lần, tôi khoe với ban nhạc The Broom của mình rằng đang viết một bài nhạc Đỏ. Tò mò, các thành viên bảo tôi hát thử. Sau khi nghe xong, tay guitar bò lăn đất, cười sặc sụa. Không phải vì bài hát dở, mà cậu ấy không ngờ “Nghĩa bass” vốn sáng tác Rock’n Roll và Disco, mà lại viết “nhạc đỏ” chất như vậy. Và tôi cũng hiểu rằng, bài hát này không phù hợp cho ban nhạc trên sân khấu Rock.
Phần 2: Gian nan tìm đầu ra
Giai đoạn từ năm 1998, chương trình ca nhạc bình chọn Làn Sóng Xanh của radio VOH nổi lên như cồn. Kéo theo trào lưu nhạc trẻ trong nước chiếm sóng, nhấn chìm dòng nhạc hải ngoại trên thị trường. Đồng thời, trào lưu này cũng khiến các nhạc sĩ khai thác đề tài nước mắt tình yêu nhiều hơn. Phần nào khiến sân chơi nhạc Đỏ ít dần đi. Đồng nghĩa rằng ca khúc Đến với con người Việt Nam tôi càng ít cơ hội xuất hiện.
Năm 1999, tôi bắt đầu tham gia các CLB sáng tác cấp Quận ở Sài Gòn. Tại đây, tôi cũng đưa bài hát Đến với con người Việt Nam tôi cho một số nhạc sĩ làm biên tập các hãng băng đĩa, đài truyền hình. Nhưng hầu như đều…để đó. Có người trả lời bài dài quá. Tôi cũng hiểu rằng, trong suy nghĩ của họ, các tác giả trẻ khi viết về lòng tự hào dân tộc thường ít chiều sâu, hoặc hiểu biết lịch sử hạn chế nên sẽ hời hợt, không bằng các nhạc sĩ “cây đa cây đề”.
Sau nhiều lần bị từ chối, năm 2000, tôi quyết định tham gia CLB Sáng Tác Trẻ Thành đoàn TP.HCM tại Nhà Văn hóa Thanh niên do nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên làm chủ nhiệm. Năm đó cũng là kỷ niệm 20 năm thành lập Hội âm nhạc TP.HCM. Vì thế CLB chúng tôi quyết định tổ chức chương trình ca khúc mới để chào mừng sự kiện này. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy là biên tập cho chương trình. Tuy nhiên, kinh phí nhà văn hóa cấp cũng hạn chế. Chỉ đủ cảm ơn nghệ sĩ tham gia, chứ không đủ làm nhạc. Nên Nhất Huy có kêu gọi được hãng băng đĩa Vafaco tài trợ làm nhạc và điều ca sĩ. Vì thế các tác giả khác đều có ca sĩ nhận lời. Riêng bài hát Đến với con người Việt Nam tôi thì không ai nhận lời, vì phải hát tốp ca. Và nếu làm nhạc cho bài hát này sẽ không có điều kiện “tái sử dụng” trên các sân khấu tạp kỷ.
May sao, lúc đó có anh Hồng Phúc (Chủ nhiệm CLB Giai điệu xanh của Hội liên hiệp Thanh niên TP.HCM) mới về công tác NVH Thanh Niên, và phụ trách CLB Sáng Tác Trẻ. Sau khi nghe chúng tôi nhờ, anh đồng ý cho nhóm Giai điệu xanh của mình làm nhạc và thu âm bài hát Đến với con người Việt Nam tôi. Trước ngày công diễn một tuần, anh Hồng Phúc điện thoại thông báo thời gian địa điểm thu âm, và tôi sẽ đến để hướng dẫn các ca sĩ hát cho đúng ý. Cũng cần nói thêm, với các tiết mục tốp ca, phải thu âm trước và hát chồng lên hoặc hát câm (lypsyn) khi biểu diễn. Đây là kỹ thuật phổ biến trên thế giới để đảm bảo chất lượng âm thanh hay nhất cho người nghe và thu phát sóng truyền hình.
Tuy nhiên, đến chiều tối hôm vào phòng thu, tôi có việc đột xuất nên đến muộn. Sau khi xong việc, tôi gọi cho ca sĩ Hiền Thảo – (một thành viên của nhóm và đã từng hát thử bài hát Đến với con người Việt Nam tôi trước đây) xem địa chỉ ở đâu, thì được biết Thảo đã hướng dẫn các thành viên thu âm xong. Và tôi không cần đến nữa. Tuy nhiên tôi vẫn lo lắng liệu các ca sĩ có hát đúng tinh thần của mình viết không. Việc này thường xảy ra với nhiều ca sĩ khi hát mà không có tôi hướng dẫn. Nhưng thôi, dù sao cũng lỡ rồi. Được thì tốt, không được thì làm lại.
Ngày biểu diễn chào mừng Hội âm nhạc TP.HCM lần thứ 20 đã đến. Trên sân khấu nhỏ của NVH Thanh Niên rực sáng với những ca khúc mới. Tôi ngồi cạnh nhạc sĩ Trần Long Ẩn (lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCM) cùng theo dõi chương trình. Và tất nhiên là háo hức chờ bài hát của mình xuất hiện. Do nội dung và giai điệu bài hát của tôi khá tưng bừng, nên phải xếp cuối chương trình cho cái kết hoành tráng. Khi thời khắc đến, nhóm Giai điệu xanh xuất hiện trong trang phục trắng, áo choàng vải xanh mỏng. Một phong cách vừa thanh niên, vừa độc lạ. Họ bắt đầu nhịp bước trên sân khấu theo tiếng kick (trống bass) dồn dập, rồi phần nhạc dạo bằng âm thanh synthersize của dòng nhạc New Wave nổi lên tưng bừng. Sau đó, các thành viên của nhóm cất lên: “Ngày bạn thân nơi năm châu bốn phương…”, và bài hát Đến với con người Việt nam tôi chính thức được xuất hiện.
Tôi tròn xoe mắt và há hốc mồm. Từng lời hát như bay ra trước mặt. Tôi liếc nhìn thái độ của khán giả, hầu hết các gương mặt đều rạng rỡ, thậm chí một số ngồi tại chỗ lắc lư theo điệu nhạc. Khi điệp khúc lặp lại để kết thúc, một ca sĩ bước xuống cầm tay mời tôi lên sân khấu hát chung, ý giới thiệu đây là tác giả bài hát. Nhìn xuống dưới, tôi bắt gặp những ánh mắt ngưỡng mộ của khán giả và đồng nghiệp. Và đặc biệt là anh Trần Long Ẩn vừa nhìn tôi, vừa cười và gật gù.
Khi kết thúc bài hát Đến với con người Việt Nam tôi và cũng là kết thúc chương trình, nhạc sĩ Trần Long Ẩn bước tới bắt tay tôi khen bài hát viết tốt lắm, và hỏi “em vào Hội chưa?”. Tôi trả lời rằng “chưa ạ”. Sau đó tác giả “Một đời người một rừng cây” nói: “Ngày mai em lên văn phòng Hội âm nhạc làm hồ sơ để kết nạp nhé, anh sẽ ký giới thiệu”.
Theo điều lệ Hội âm nhạc TP.HCM (cũng như Hội nhạc sĩ Việt Nam), các tác giả muốn được kết nạp vào Hội cần có hai nhạc sĩ giới thiệu. Thường là hai nhạc sĩ trong ban chấp hành để thuyết minh trong cuộc họp xét duyệt hằng năm. Như vậy, tôi đã có hai phiếu bầu hạng nặng là nhạc sĩ Trần Long Ẩn và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên giới thiệu. (Anh Hiên lúc bấy giờ là Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP.HCM – và cũng là Chủ nhiệm CLB Sáng Tác Trẻ của chúng tôi từ sau năm 1975). Chính anh đề nghị tôi giới thiệu bài hát này trong chương trình đó, và mời Ban chấp hành Hội âm nhạc đến để nghe các tác phẩm, đồng thời cũng là tiền đề để giới thiệu lớp trẻ chúng tôi vào Hội. Và đúng như lời nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã hứa, tôi được kết nạp hội năm đó.
Đến 2007 thì được kết nạp Hội nhạc sĩ Việt Nam
Phần 3: Bài hát được nổi tiếng khi chưa ra đĩa CD
Sau một tuần ra mắt, tôi trở lại Nhà văn hóa Thanh Niên để sinh hoạt CLB Sáng Tác Trẻ. Khi đi qua phòng Văn hóa Nghệ thuật, anh Hồng Phúc gọi ngay: “Nghĩa gửi thêm mấy tờ bài hát ‘Đến với con người Việt Nam tôi’ cho anh, để có ai cần thì anh phát”. Tôi thực hiện theo đề nghị của anh Phúc với 100 bản photocopy. Đến vài tuần sau, anh Phúc lại nói: “Em in lại cho anh 1 bản bài hát đó đi, để anh photo bằng máy cơ quan cho, khỏi tốn tiền. Người ta xin hết sạch [văn bản] rồi!
Ố ồ, thật á? Tôi mừng quá! Bạn biết không, vào giai đoạn đầu những năm 2000, các nhạc sĩ chỉ có một con đường giới thiệu ca khúc của mình thông qua các hãng băng đĩa, hoặc ca sĩ sản xuất đĩa nhạc riêng cho mình. Ngoài ra cũng có đài truyền hình phát thanh. Nhưng với ca khúc mới thì băng đĩa vẫn là lựa chọn của các nhạc sĩ.
Tuy nhiên, bài hát Đến với con người Việt Nam tôi lại chưa được đưa vào bất kỳ sản phẩm đĩa nhạc chính quy nào. Người ta biết đến hoàn toàn do nhóm Giai điệu xanh biểu diễn trong các chương trình cổ động lúc bấy giờ. Nhiều tổ chức đoàn thể nhận ra bài hát này mở màn hoặc kết thúc các chương trình, và cần văn bản bài hát để dàn dựng. Vì thế tôi in thêm cho anh Phúc. Ngoài ra, anh còn cho luôn phần nhạc nền để các đơn vị có thể tiện sử dụng.
Năm 2005, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy mới quyết định biên tập một album nhạc phong trào thanh niên mang tên “Tình ca màu xanh” thông qua hãng Phim Trẻ. Anh cũng đưa bài hát của tôi vào chương trình. Tuy nhiên, phần audio cần thu lại. Lý do là hãng sản xuất cần sở hữu bản audio, không muốn bị tranh chấp sau này. Vì thế, tôi yêu cầu phải cover lại từ bản hòa âm đầu tiên mà Giai điệu xanh thực hiện, đồng thời, phải là những ca sĩ đó vào phòng thu.
Cho nên, bài hát này đến mấy năm sau bài hát mới có trên đĩa CD, dù nó đã rất nổi tiếng trên báo chí. Đồng thời có đến 2 bản audio giống nhau. Tuy nhiên, bản audio hay nhất vẫn là bản ghi âm đầu tiên mà anh Phúc thực hiện cho Giai điệu xanh.
Phần 4: Bài hát của hội diễn
Hội diễn văn nghệ là một hoạt động lớn của các cơ quan ban ngành. Mỗi hội diễn sẽ quy tụ các đơn vị trực thuộc về tham gia. Thông thường mỗi đơn vị phải dàn dựng chương trình với thời lượng 30 phút. (tương đương 5 tiết mục múa hát, cộng với thời gian ra vào giới thiệu). Và sắp xếp các bài hát sao cho thể hiện được chủ đề chính. Giai đoạn ấy, kết thúc mỗi chương trình thường là bài “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Nhưng do đơn vị nào cũng sử dụng, nên các đạo diễn muốn tìm kiếm bài khác để thay thếvị trí kết thúc. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài chưa có ứng cử viên nào lọt vào được. Nguyên nhân là nhiều bài khó hát, hoặc quá trúc trắc về kỹ thuật chỉ dành cho dân hàn lâm.
Cho đến thời điểm 2000, các chương trình hội diễn bắt đầu xuất hiện bài hát Đến với con người Việt Nam tôi mỗi dịp một nhiều hơn. Thậm chí bắt đầu từ khoảng năm 2003, không hội diễn nào không có bài hát này, và ít nhất 3/5 đơn vị tham gia đã sử dụng cho phần mở màn hoặc kết thúc. Nhiều giám khảo gặp tôi nói rằng “Hội diễn nào cũng có bài hát này, không mở màn thì cũng kết thúc. Chấm thi đến thuộc cả bài luôn”. Nếu bạn tra từ khóa “Đến với con người Việt Nam tôi” trên Youtube, sẽ cho ra kết quả hàng trăm clip mà ca sĩ quần chúng thể hiện trong các hội diễn. Và cũng năm 2003, chính sự xuất hiện bùng nổ này, ban tổ chức SEA Games 23 đã chọn bài hát Đến với con người Việt Nam tôi để kết thúc lễ bế mạc tại cầu truyền hình phía Nam. Lý giải tại sao nhiều khán giả lầm tưởng, bài hát này viết cho SEA Games năm ấy.
Phần 5: Bài hát giữa hai thế hệ
Từ khi có chương trình Làn sóng xanh vào năm 1998, nhiều nhạc sĩ trẻ xuất hiện, các sáng tác mới ngày càng nhiều. Ban đầu là trẻ trung sôi động, sau đó bão hòa và dần chuyển sang bi thương, chia tay, khóc lóc như nhạc hải ngoại từng thống lĩnh trước kia. Từ đó nảy ra hai suy nghĩ, thế hệ nhạc sĩ đàn anh thì cho rằng “đàn em” không viết được ca khúc tự hào. Còn “đàn em” thì cho rằng viết những ca khúc “tự hào” không có ai tin sẽ thành công như các anh, và cũng không có chỗ biểu diễn.
Và rồi khi bài hát Đến với con người Việt Nam tôi xuất hiện trong các hội diễn – “sân chơi” của các nhạc sĩ đàn anh – nó như một điểm giao hòa của hai thế hệ, chứng minh cho “đàn anh” thấy rằng nhạc sĩ trẻ có thể viết được đề tài này. Còn với nhạc sĩ trẻ thì ca khúc tự hào dân tộc không thể có chỗ đứng nếu bạn chỉ viết cho “có tụ”.
Còn nhớ trước khi về CLB Sáng Tác Trẻ, một nhạc sĩ cũng muốn giúp tôi bằng cách đề nghị đổi lời sang đề tài tình yêu. Vì phần nhạc của tôi dễ nghe, và xu hướng nhạc New Wave ít người viết. Nhưng nội dung ca từ thì nghe chính trị quá, làm sao hát được ở các sân khấu vui chơi. Khi nghe vậy, trong tôi đã xảy ra một cuộc “đấu tranh tư tưởng” giữa “chuyển sang tình yêu” hay giữ lại “lòng tự hào”. Bạn biết đấy, trong lúc đầu ra của bài hát hoàn toàn mờ mịt, không ai tin rằng bài hát của một tác giả trẻ này sẽ là ca khúc đón nguyên thủ quốc gia. Còn thị trường lại đang đào bới các ca khúc thị hiếu, với công nghệ lăng xê từ mặt đường đến mặt báo. Bên cạnh đó, nếu tôi trở thành nhạc sĩ tên tuổi, thì các tác phẩm về sau dễ có cơ hội phổ biến hơn. Ít nhất là các nhà biên tập cũng yên tâm khi chọn giới thiệu ca khúc của bạn. Nhưng lúc ấy tôi chỉ mới được biết đến với ca khúc Bye goodnight trong cuộc thi của sinh viên, chưa đủ tên tuổi để bảo chứng cho các tác phẩm tiếp theo của mình. Trong khi đó, các bạn bè đang trở thành những tên tuổi với các tác phẩm được yêu cầu trên radio hàng tuần. Vì thếnếu đổi lời sang “tình yêu”, tôi có ngay cơ hội tốt hơn. Rồi khi có tên tuổi, tôi viết gì chẳng được?!!
Nhưng! một bài hát tình yêu sẽ sống bao lâu? Vào giai đoạn đó, mỗi bài hát chỉ tồn tại khoảng 2 năm. Lý do đơn giản, các ca sĩ luôn tìm bài mới thay thếchính bài hát làm nên tên tuổi họ. Và mỗi khi ca sĩ xuất bản 1 album, và họ lại đi diễn với các ca khúc trong album đó để “thu hồi vốn” sản xuất. Vì thế, các bài hát chỉ được xuất hiện trước công chúng trong vòng 2 năm. Ồ! Ít quá! Nếu tôi thay lời bài hát sang đề tài tình yêu, và giữ nguyên phần giai điệu, thì rõ ràng 2 năm chưa xứng đáng với công sức tôi. Ngoài ra, với giai điệu đẹp thếnày, chỉ phục vụ việc ăn chơi liệu có xứng tầm không? Vì thế, tôi không đổi. Cho nên bây giờ, tôi mới mỉm cười khi bài hát được chọn vào tuyển tập ca khúc: “Đi cùng năm tháng”.
Phần 6: Bài múa dân vũ của thanh niên
Một lần, khi tra từ khóa “Đến với con người Việt Nam tôi” trên Youtube, tôi thấy có nhiều cái clip với tựa đề “Múa dân vũ – Đến với con người Việt Nam tôi”. Tò mò mở ra xem thì ngạc nhiên, đây là bài múa tập thể dành cho đoàn thanh niên trên nền nhạc bản audio Giai điệu xanh thực hiện.
Nhớ lại giai đoạn trước 2010, tôi gặp anh Huỳnh Văn Toàn (Tổng trưởng Tổng đoàn Sao Bắc đẩu), anh ấy nói sẽ biên đạo một bài múa dân vũ trên nền nhạc 2 bài hát Đến với con người Việt Nam tôi và Trống cơm.
Nguyên nhân chọn bài hát hát này là câu chuyện hành trình tàu Đông Nam Á. Đây là con tàu hữu nghị thanh niên Đông Nam Á, xuất phát từ Nhật Bản, đi vòng quanh các quốc gia Đông Nam Á mỗi năm. Trên tàu là hàng trăm đại biểu thanh niên đến từ các quốc gia khác nhau. Họ sinh hoạt, giao lưu suốt khoảng 1 tháng lênh đênh trên biển. Trong đó, đại biểu mỗi nước sẽ dạy cho những đại biểu quốc gia còn lại bài múa của dân tộc mình (Vì bất đồng ngôn ngữ, nên múa là văn hóa giao lưu quốc tế dễ nhất), còn gọi là dân vũ (múa dân gian). Các bài múa này khác với múa nghệ thuật, ở yếu tố động tác đơn giản, vui nhộn, và tính tập thể.
Anh Huỳnh Văn Toàn giải thích, bài “Trống cơm” thì khá dễ, và cũng là bài hát dân gian truyền thống Việt Nam. Còn bài hát Đến với con người Việt Nam tôi có nhịp điệu dứt khoát, dễ làm động tác. Và hơn nữa, nội dung bài phù hợp với việc giao lưu bạn bè quốc tế. Vì vậy anh chọn bài hát này để biên đạo động tác múa cho công tác đoàn hội của thành phố và cả nước.
Vậy là, không chỉ để biểu diễn trong các chương trình lớn, hay thi thố trong hội diễn, ca khúc này còn tự tìm cho mình một chỗ đứng với điệu dân vũ mà đoàn thanh niên đã sáng tạo. Tôi hoàn toàn không biết múa, và hy vọng một ngày nào đó sẽ có người chỉ cho tôi cách múa bài hát mình sáng tác.
Phần 7: Nhạc chế
Thông thường khi nói về nhạc chế, tôi hay dị ứng. Vì phần lớn những ca từ chế đều có khuynh hướng chế diễu, thậm chí xuyên tạc. Thế nhưng, ở bài hát Đến với con người Việt Nam tôi, nhiều công ty đã gọi điện xin phép được “viết lại lời” cho đơn vị mình, dựa trên nên nhạc bài hát này.
Tuy nhiên, bài hát Đến với con người Việt Nam tôi đã như một ca khúc mang tính quốc thể và thường cất lên trong những buổi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, hoặc trên các sân khấu hữu nghị quốc tế. Vì vậy tôi luôn trả lời “bạn cứ việc viết theo cách của mình, và tự chịu trách nhiệm với nội dung bạn viết. Còn tôi không đứng chung tên tác giả với bất kỳ bản “chế” nào. Đây chỉ là một sân chơi nội bộ của bạn. Bạn hát trong hoạt động công đoàn, nhưng không được dùng để quảng cáo nhãn hàng, sản phẩm hay giới thiệu doanh nghiệp một cách chính thức”.
Và rồi rất nhiều đơn vị đã làm như ngân hàng Vietcombank, tập đoàn Vingroup… Hầu hết các cơ quan đều sửa câu “Hãy đến với doanh nghiệp…[tên đơn vị mình] rất hồn nhiên. Và ca từ chủ yếu ca ngợi đơn vị mình, không có bài nào mang tính diễu cợt. Có lẽ thú vị nhất là phiên bản “Chiến thắng Covid 19” của các cô giáo trường Mầm Non Mỹ Đình 1. Tôi thực sự thấy rất thú vị với phiên bản này. Ca từ các cô viết lại rất dễ thương và hóm hỉnh. Bạn có thể xem clip đó dưới đây để ủng hộ các cô giáo ấy.
Leave a Reply